Rết khổng lồ ăn thịt 3.700 con chim non mỗi năm trên đảo Phillip

  •   2,511
  • 51.796

Trên đảo Phillip thuộc quần đảo Norfolk ở Nam Thái Bình Dương, quần thể rết (Cormocephalus coynei) có thể giết chết và ăn thịt hàng nghìn con chim biển non mỗi năm.

Rết C. coynei, loài vật đặc hữu ở đảo Phillip có chế độ ăn bao gồm lượng lớn động vật có xương sống, trong đó có chim biển non. Là động vật ăn thịt lớn ở đại dương, chim biển thường nằm ở đầu chuỗi thức ăn. Nhưng trong nghiên cứu công bố trên tạp chí The American Naturalist, điều này không phải luôn đúng.


Một con chim petrel non trên đảo Phillip. (Ảnh: Trudy Chatwin).

Động vật chân khớp ăn thịt lớn có thể đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới thức ăn của hệ sinh thái đảo. Rết đảo Phillip sinh tồn được nhờ chế độ ăn cực kỳ đa dạng. Loài rết này có thể dài gần 30,5 cm. Chúng có nọc độc cực mạnh nằm trong bộ phận phụ giống chiếc càng, dùng để làm bất động con mồi. Cơ thể chúng được bảo vệ bởi những tấm giáp giống lá chắn xếp dọc mỗi đốt.

Vào ban đêm nóng ẩm, rết khổng lồ đi săn bằng cách dò len lỏi giữa những chiếc hang chim biển trên nền rừng. Con rết sẽ sử dụng hai ăngten siêu nhạy để định vị khi tìm mồi. Rết săn từ dế tới chim biển non, tắc kè và thằn lằn bóng chân ngắn. Chúng thậm chí còn săn cá do nhạn biển anui đen (Anous minuta) làm tổ trên cây đánh rơi.


Rết đảo Phillip tấn công chim petrel cánh đen non. (Video: Daniel Terrington).

Không lâu sau khi bắt đầu nghiên cứu hệ sinh thái của chim biển đào hang trên đảo Phillip, nhà nghiên cứu Luke Halpin ở Đại học Monash và cộng sự phát hiện con non của chim petrel cánh đen (Pterodroma nigripennis) trở thành con mồi của rết đảo Phillip. Các nhà khoa học quyết định nghiên cứu sâu hơn để khám phá bí ẩn về thói quen kiếm ăn của loài rết lớn này.

Nhằm tìm hiểu những con rết ăn gì, nhóm của Halpin quan sát hoạt động kiếm ăn ban đêm và ghi chép chúng nhắm vào loài nào. Họ cũng theo dõi chim petrel non ở tổ vài ngày một lần suốt nhiều tháng. Các nhà nghiên cứu bắt đầu nhận thấy kiểu vết thương nhất quán giữa những con chim non bị giết. Họ thậm chí chứng kiến một con rết tấn công và ăn thịt chim non.

Từ tốc độ săn mồi, nhóm chuyên gia tính toán rết đảo Phillip có thể giết và ăn thịt khoảng 2.109 – 3.724 chim petrel non mỗi năm. Quần thể chim petrel cánh đen với 19.000 cặp trên đảo dường như có sức chịu đựng bền bỉ trước kẻ thù. Thông qua săn động vật có xương sống, rết lưu giữ dưỡng chất từ chim biển và phân phối quanh đảo. Nói cách khác, chúng thay thế chỗ trống của động vật có vú săn mồi trên đảo.

Cho tới cách đây vài thập kỷ, rết đảo Phillip rất hiếm gặp. Trên thực tế, chúng mới được chính thức mô tả như một loài mới năm 1984. Sau một nghiên cứu quy mô rộng năm 1980, giới khoa học chỉ tìm thấy vài cá thể nhỏ. Độ hiếm gặp của chúng nhiều khả năng do môi trường sống bị xuống cấp nghiêm trọng dưới tác động của lợn, dê và thỏ mà con người đưa tới đảo. Việc loại trừ những động vật xâm hại này tạo điều kiện cho chim petrel cánh đen phát triển mạnh, trở thành loài có số lượng lớn nhất trong số 13 loài chim biển sinh sản trên đảo Phillip. Chúng cung cấp nguồn thức ăn chất lượng cao cho rết trên đảo và qua đó giúp quần thể rết phục hồi.

Cập nhật: 23/07/2024 Theo VnExpress
  • 2,511
  • 51.796