Các chuyên gia địa chất Mỹ vừa phát hiện bằng chứng cho thấy, những thung lũng cằn cỗi tại Nam Cực từng là nơi sinh sống của rêu và côn trùng.
Giới khoa học cho rằng, 14 triệu năm trước, những thung lũng không có sự sống của Nam Cực là những lãnh nguyên (nơi tầng đất cái bị đóng băng vĩnh cửu), tương tự như một số nơi ở Alaska (Mỹ), Canada và Siberia (Nga). Chúng lạnh lẽo nhưng vẫn có những điều kiện để dành cho sự sống.
Adam Lewis và một số nhà địa chất thuộc Đại học North Dakota đã tìm thấy một đám rêu khô tại một thung lũng trong lúc nghiên cứu lớp băng bao phủ Nam Cực.
|
Những thung lũng cằn cỗi ở Nam Cực từng là lãnh nguyên ẩm ướt. Ảnh: AP. |
"Chúng tôi không hề mong chờ việc tìm ra một thứ như vậy. Đám rêu khô quắt vì băng, nhưng điều lý thú là các mô của nó vẫn còn, dù 14 triệu năm đã trôi qua", Lewis nói.
Trước đó, người ta từng tìm thấy rêu ở gần bờ biển của Nam Cực và những con côn trùng sống ký sinh trên chim biển, nhưng đây là lần đầu tiên tàn tích của sự sống được phát hiện trong một khu vực nội địa
Sau đó, nhóm của Lewis tìm thấy xác của một số loài giáp xác nhỏ, muỗi vằn và bọ cánh cứng. Họ cũng phát hiện phấn hoa của giống sồi phương nam và cẩm chướng.
"Sự tồn tại của những hồ băng, thực vật vùng lãnh nguyên và xác côn trùng cho thấy, cách đây 14 triệu năm, khí hậu tại Nam Cực từng ẩm ướt và ấm hơn ngày nay. Điều này giúp chúng ta hiểu thêm về hệ thống khí hậu Trái đất",các nhà nghiên cứu kết luận trong báo cáo.