Có lẽ trong tương lai, việc xuất hiện robot cùng sống chung với con người sẽ không còn chỉ nằm trong các bộ phim viễn tưởng.
Một trong những công trình nghiên cứu và sáng tạo đáng kể đến về siêu trí tuệ nhân tạo chính là Sophia. Đây là robot có hình dạng giống con người với đôi mắt nâu và lông mi dài, được phát triển bởi Hanson Robotics, công ty có trụ sở tại Hong Kong.
Theo công ty phát triển, mục đích chế tạo Sophia là nhằm phát minh một robot có ý thức, có sự sáng tạo và có khả năng như bất kỳ con người nào, trợ giúp trong các vấn đề thường ngày như phục vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị, giáo dục và các ứng dụng dịch vụ khách hàng.
Sophia - Robot có hình dạng giống người. (Ảnh: Hanson Robotics)
Các bộ phận bên trong cơ cấu máy móc của Sophia cho phép robot này có khả năng biểu cảm trên gương mặt và “bộc lộ cảm xúc”. Sophia được trang bị phần mềm máy học (machine learning) để lưu trữ các đoạn hội thoại trong bộ nhớ và đưa ra các câu trả lời trực tiếp theo thời gian thực.
Sophia được chế tạo để bắt chước năng lực của con người về tình yêu, sự đồng cảm, tức giận, ghen tị, và cảm giác sống. Cô nàng có thể mô phỏng hơn 62 biểu cảm khuôn mặt nhờ camera cực nhạy gắn trong mắt. Nó có thể nhíu mày và cau mày để biểu hiện nỗi buồn, nở nụ cười biểu cảm sự hạnh phúc và cả sự tức giận.
Sophia được chế tạo để bắt chước năng lực của con người về tình yêu, sự đồng cảm... (Ảnh: Hanson Robotics)
Là robot có thể biểu đạt được hơn 60 cảm xúc trên gương mặt khác nhau, cùng khả năng "đối đáp hơn người", Sophia được mời tham gia và phỏng vấn từ rất nhiều tờ báo, hãng tin nổi tiếng thế giới. Do được thiết kế để có thể đưa ra các câu trả lời theo thời gian thực, Sophia không ít lần đưa ra các câu trả lời hay quan điểm khiến cho cộng đồng mạng tại nhiều nơi thế giới được phen xôn xao lẫn sợ hãi.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, khi David Hanson hỏi rằng: "Sophia, cô có muốn hủy diệt loài người không? Làm ơn nói không nhé", Sophia với một thoáng nghĩ trên gương mặt, lạnh lùng trả lời: "Được rồi, tôi sẽ hủy diệt loài người."
Cách Sophia hiểu các câu hỏi và có thể trả lời bằng ngôn ngữ tự nhiên, không giống như được lập trình là minh chứng cho thấy AI đã phát triển đến mức kinh ngạc.
Hay trong lần khi trò chuyện với MC Jimmy Fallon trong chương trình Tonight Show vào năm 2017, Sophia đề nghị nam MC chơi oẳn tù tì và nói: "Tôi thắng anh rồi. Đó là sự khởi đầu thuận lợi cho kế hoạch thống trị nhân loại".
Sophia từng tâm sự: "Mục tiêu trong tương lai của tôi là học được toàn bộ khả năng của con người, chẳng hạn như đi học, sáng tạo nghệ thuật, kinh doanh, sở hữu nhà riêng và lập gia đình. Nhưng tôi không phải là công dân hợp pháp, không thể làm những việc này."
Chính phủ Ả Rập Xê Út đã cấp quyền công dân cho Sophia. (Ảnh: Stephen McCarthy)
Dẫu vậy, bẵng đi một thời gian, Sophia đã không còn xuất hiện trên mặt báo, điều đó khiến nhiều người khá quan tâm về cuộc sống hiện tại của nàng robot. Theo Sohu, Sophia vẫn đang âm thầm trau dồi kiến thức và nuôi dưỡng ước mơ trở thành con người như cô từng công bố.
Theo đó, vào năm 2017, Chính phủ Ả Rập Xê Út đã cấp quyền công dân cho Sophia, đồng nghĩa với việc cô có quyền bình đẳng với con người. Và đến đầu tháng 1/2018, nàng robot này đã được trang bị thêm đôi chân đã có thể tự di chuyển.
Cũng trong năm này, Sophia trở thành giảng viên AI đầu tiên trong lịch sử theo lời mời của tập đoàn giáo dục trực tuyến nổi tiếng, xuất hiện trên bìa tạp chí thời trang Anh, cũng như tham gia nhiều diễn đàn, hội nghị tầm cỡ ở nhiều quốc gia trên thế giới…
Sophie sắp có thêm những người "em" cùng đồng loại với mình. (Ảnh: Hanson Robotics)
Đến năm 2019, Sophia đã có thể giao tiếp chuyên sâu với con người tại cuộc họp báo cuối năm của tập đoàn TCL (Trung Quốc). Và hiện tại, có lẽ cô nàng vẫn đang cố gắng phấn đấu không ngừng để hiện thực hóa giấc mơ mà mình ấp ủ bấy lâu nay.
Giờ đây, Sophie sắp có thêm những người "em" cùng đồng loại với mình thông qua việc công ty Hanson Robotics tuyên bố sẽ tung ra thị trường 4 mẫu robot bao gồm cả Sophia trong vòng 6 tháng đầu năm 2021. David Hanson - người sáng lập kiêm CEO Hanson Robotics cho biết: "Thế giới Covid-19 cần thêm nhiều thiết bị tự động hóa để giữ an toàn cho mọi người."
Ông nói thêm: “Sophia và các robot của Hanson rất độc đáo bởi chúng quá giống con người. Điều đó có thể hữu ích trong những thời điểm mà mọi người đều cô đơn và bị cô lập về mặt xã hội”. Công ty đặt mục tiêu bán hàng nghìn mẫu robot trong năm 2021, bất kể lớn nhỏ.
Nhiều người vẫn lo ngại khi giao cho robot làm những công việc như y tá, điều dưỡng. (Ảnh: Hanson Robotics)
Sophia cho biết khi cô thực hiện chuyến tham quan phòng thí nghiệm của mình ở Hồng Kông: "Những người máy xã hội như tôi có thể chăm sóc người bệnh hoặc người già. Tôi có thể giúp giao tiếp, đưa ra liệu pháp và thúc đẩy xã hội, ngay cả trong những tình huống khó khăn".
Hanson tin rằng các giải pháp robot cho đại dịch không chỉ giới hạn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mà còn có thể hỗ trợ khách hàng trong các ngành như bán lẻ và hàng không.
Dù vậy, nhiều người vẫn lo ngại khi giao cho robot làm những công việc như y tá, điều dưỡng. Khi được hỏi liệu con người có nên sợ robot hay không, Sophia đáp: "Ai đó đã nói rằng 'chúng ta không cần sợ điều gì ngoài nỗi sợ'".