Lần cuối cùng loài rùa này xuất hiện là vào năm 1906. Vậy mà nay, chúng lại một lần nữa hiện ra trước mắt các nhà khoa học.
Nhiều sinh vật đã biến mất trong hành trình phát triển của loài người. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn điều kỳ diệu có thể xảy ra. Như trường hợp của rùa khổng lồ trên đảo Fernandina chẳng hạn.
Rùa Fernandina.
Loài rùa này vốn được cho là đã tuyệt chủng từ hơn 100 năm trước, với trường hợp cuối cùng được nhìn thấy vào năm 1906. Nhưng chỉ vài ngày trước, một cá thể rùa Fernandina đã xuất hiện trên ngay chính hòn đảo này, tại công viên bảo tồn quốc gia Galápagos thuộc quần đảo Galápagos Thái Bình Dương, trong sự ngỡ ngàng của khoa học.
Trên thực tế thì năm 2009, đã từng có thông tin về sự xuất hiện của rùa khổng lồ, nhưng khoa học vẫn còn chần chừ. Còn nay, các đội nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng - bao gồm phân, vết cắn ... để chứng minh rằng có nhiều hơn một con rùa khổng lồ đang sống trên đảo này.
"Việc bảo tồn rùa Fernandina đã là công việc của tôi trong 29 năm qua, và tôi đã tham gia rất nhiều sự kiện hấp dẫn, bao gồm việc tìm ra loài rùa mới. Nhưng tất cả đều không thể so với cảm giác vào lúc này" - Wacho Tapia, giám đốc chương trình Khôi phục rùa khổng lồ tại khu bảo tồn Galápagos cho biết.
"Tìm ra một con rùa khổng lồ Fernandina thực sự là phát hiện lớn nhất thế kỷ. Cá thể cuối cùng được tìm thấy trước kia đã từ 112 năm trước rồi" - ông cho biết.
"Giờ chúng ta chỉ cần xác nhận nốt mẫu gene của cụ rùa cái này là xong. Cụ già rồi, nhưng vẫn khỏe".
Loài rùa này vốn được cho là đã tuyệt chủng từ hơn 100 năm trước.
Đảo Galápagos trước kia cũng rất nổi tiếng vì sự tồn tại của rùa khổng lồ. Ngay cả từ "Galápagos" cũng bắt nguồn là một từ tiếng Tây Ban Nha cổ có nghĩa là "rùa". Tuy nhiên, thực ra thì trên đảo vốn có tới 15 loài rùa khổng lồ khác nhau.
Tuỳ theo địa điểm sinh sống mà các loài rùa này sẽ có hình dáng khác nhau. Những loài sống trên các vùng đất cao và ẩm sẽ có một bộ mai cứng, cong vòm, cổ ngắn và chủ yếu ăn thực vật mọc thấp dưới đất. Còn các loài sống tại vùng khô, bằng phẳng thì có mai phẳng hơn, cổ dài hơn để ăn thực vật mọc trên cao.
Đảo Galápagos trước kia cũng là một nguồn tư liệu quý giá để Charles Darwin viết ra cuốn sách về chọn lọc tự nhiên. Đơn giản là vì hòn đảo này có một hệ sinh thái hết sức đặc biệt, với nhiều loài vật chỉ tồn tại được ở đây thôi.