Nghi lễ "Đại bàng máu" huyền thoại của các chiến binh Viking để tra tấn những kẻ thù "không đội trời chung" của họ được mô tả trong các câu chuyện sử thi vô cùng rùng rợn liên quan đến việc mổ phanh lưng, cắt xương sườn và moi phổi kẻ thù ra ngoài, biến chúng thành đôi cánh đẫm máu...
Theo Daily Mail, nhiều nhà sử học ngày nay bác bỏ các sử thi hoặc huyền thoại liên quan đến việc thực hành nghi lễ "Đại bàng máu" của các chiến binh Viking - những người sống ở vùng Scandinavia (Bắc Âu) từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 11 - vì thiếu bằng chứng khảo cổ và các ghi chép hiện đại.
Nghi lễ của Đại bàng máu được tái hiện trong bộ phim truyền hình 'Vikings' của Kênh History của Anh. (Ảnh Daily Mail).
Tuy nhiên, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Iceland cho rằng, nghi lễ "Đại bàng máu" - dành riêng cho những kẻ thù "không đội trời chung" của người Viking có thể có thật và được thực hiện bằng các vũ khí nổi tiếng của họ mà chúng ta đã biết.
Nghi lễ Đại bàng máu chỉ dành cho những kẻ thù "không đội trời chung" của người Viking.
Các nhà nghiên cứu cho biết, bất kỳ nạn nhân nào cũng sẽ không thể sống nổi quá lâu với các hình thức tra tấn đau đớn kinh hoàng trong nghi lễ "Đại bàng máu" - mổ phanh lưng, cắt xương sườn và moi phổi của kẻ thù ra ngoài sao cho chúng trông giống một đôi cánh đẫm máu.
Trái với truyền thuyết hay sử thi, các nhà nghiên cứu cho rằng, nạn nhân chắc chắn sẽ chết trước khi phổi của họ được moi ra ngoài hoàn toàn.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Iceland cũng nói rằng nghi lễ phù hợp với thói quen đối xử tàn bạo với kẻ thù và xác chết của người Viking, và có thể được gắn với việc bảo vệ danh dự của họ.
Nghi lễ Đại bàng máu đã được mô tả trong cả bộ phim truyền hình "Vikings" của Kênh History của Anh lẫn bộ phim kinh dị năm 2019 của Mỹ-Thụy Điển: Midsommar.
Một cuộc hành quyết - có thể là nghi lễ Đại bàng máu - được khắc trên một bia đá từ thế kỷ thứ 7 trên đảo Gotland của Thụy Điển. (Ảnh Daily Mail).
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhà sử học Luke John Murphy của Đại học Iceland cùng với một nhóm các nhà khoa học y tế từ Đại học Keele cho rằng, nghi lễ Đại bàng máu liên quan đến việc khoét lưng nạn nhân, cắt xương sườn để kéo phổi ra ngoài qua các vết thương.
"Sự rung chuyển cuối cùng của phổi phát ra trên các xương sườn nhô ra ngoài được cho là giống chuyển động của cánh chim - do đó nghi thức này có tên là Đại bàng máu", Các nhà nghiên cứu viết trên Conversation.
Trong nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Murphy quyết định bỏ qua câu hỏi đã được tranh luận từ lâu về việc liệu nghi lễ Đại bàng máu có thực sự tồn tại hay không mà thay vào đó tập trung vào việc liệu việc thực hiện nghi lễ đó có thực sự khả thi về mặt giải phẫu học hay không.
"Câu trả lời của chúng tôi là rõ ràng có", các nhà nghiên cứu khẳng định.
Tiến sĩ Murphy và các đồng nghiệp cho rằng, các mũi giáo/mác của người Viking có gai hoặc có vấu hoàn toàn có thể cắt được khung xương sườn một cách nhanh chóng từ phía sau lưng.
Vũ khí của người Viking mà chúng ta đã biết có thể thực hiện nghi lễ Đại bàng máu huyền thoại. (Ảnh Daily Mail).
Cần phải cắt nhiều cơ khác nhau để bẻ gãy và đẩy khung xương sườn ra ngoài để tạo thành "cánh". Tuy nhiên, trái với truyền thuyết, các nhà nghiên cứu thừa nhận, nạn nhân sẽ chết rất nhanh với kiểu hành quyết dã man này. Vì thế, lần rung chuyển cuối cùng của phổi trên các xương sườn có thể không xảy ra như nó được mô tả trong truyền thuyết.
"Vì vậy, bất kỳ nỗ lực nào để định hình lại xương sườn thành "cánh" hoặc moi phổi ra ngoài sẽ được thực hiện trên một xác chết. Vì thế lần "rung rinh" cuối cùng của phổi nhiều khả năng không thể xảy ra", các nhà nghiên cứu viết.
Theo các nhà nghiên cứu, thực tế có bằng chứng khảo cổ và lịch sử cho thấy rằng nghi lễ Đại bàng máu không xa lạ đối với các chiến binh tàn bạo thời Viking.
"Họ không hề e ngại về việc trưng bày xác chết của con người và động vật trong các nghi lễ đặc biệt, kể cả trong các cuộc hành quyết thần thánh", các nhà nghiên cứu cho biết.