Ruồi đực lừa tình bằng món quà giả

  •  
  • 534

Giống cái trong nhiều loài côn trùng và động vật, kể cả con người, đều thích được nhận quà từ những anh chàng theo đuổi, nhưng đã có một nghiên cứu cho thấy ruồi đực thường dụ dỗ các nàng bằng những món quà giả vô nghĩa.

Loài ruồi khiêu vũ Rhamphomyia sulcata
Loài ruồi khiêu vũ Rhamphomyia sulcata (Ảnh: insektenfotos)
Vào lúc cô nàng nhận ra người tình của mình là một anh chàng bịp bợp và đánh tới tấp bằng đôi cánh, thì con đực cũng đã xong việc và bỏ đi, không quên mang theo món quà giả để tìm kiếm ả khác.

Những tên lừa bịp trong thế giới động vật có thể dễ dàng cho các cô nàng hám của vào bẫy để rồi tạo ra giống nòi mang gene của chính mình.

Các nhà khoa học đã tìm hiểu loài ruồi khiêu vũ Rhamphomyia sulcata. Giống đực của loài ruồi này thường phải dâng cho các nàng những món ăn hấp dẫn, như một con bọ to tướng ngon lành, để được nàng "ân sủng".

Để tìm hiểu những cô nàng được chiều chuộng này có dễ bị mắc bẫy không, các nhà khoa học đã thay món quà thật bằng những mảnh xác sâu bọ hoặc quả bông giống hình búi hạt mà các anh chàng lừa dối thường mang tặng con cái.

"Ruồi đực thường lừa bịp bằng những búi hạt, quả bóng bằng tơ hoặc lá cây hay cành cây", Natasha LeBas tại Đại học Western Australia cho biết.

Trong trường hợp này, thời gian con ruồi cái phải mất công kiểm tra và tìm cách ăn quả bông đủ lâu để con đực xâm nhập được nàng.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy mối liên hệ giữa kích cỡ và chất lượng món quà với thời gian giao cấu. Những món quà thực sự ấn tượng sẽ dẫn tới thời gian "ân ái" lâu hơn. Thời gian giảm dần với những món quà thật nhưng nhỏ, tiếp đến là những món quà tượng trưng và cuối cùng là các vật nhỏ bé, vô nghĩa.

Đôi ruồi "hành sự" trên lá cây trong khi con cái xơi món quà là một con bọ ngon lành.

Con đực tranh thủ "hành sự" trong khi cô nàng ra sức gặm quả bông.          

Nếu con cái chưa nắm giữ được món quà, cô nàng ngay lập tức dừng cuộc vui và xua đuổi anh chàng.

LeBas giải thích rằng việc lừa gạt bằng những món quà tượng trưng không ảnh hưởng gì mấy tới giống nòi, nhưng nó lại tiết lộ cuộc chiến giữa 2 phái ở cách mà con đực và con cái đầu tư vào sự sinh sản.

"Mỗi phe đều muốn đầu tư ít hơn và nhận được nhiều hơn. Nghiên cứu này là một ví dụ về một giống loài trong đó, những con đực, vốn phải đầu tư nhiều bằng những món quà dinh dưỡng, đã tìm ra cách hiệu quả hơn với món quà tượng trưng, bởi con cái sẽ mất một khoảng thời gian để kiểm tra món ăn giả đó".

Steven Heydon, nhà khoa học cấp cao tại Bảo tàng côn trùng học Bohart thuộc Đại học California, nhận xét: "Con côn trùng cần phải ra ngoài và săn mồi, như vậy nó sẽ trở thành mục tiêu cho những kẻ săn mồi khác. Nếu bạn là một côn trùng ra ngoài tìm mồi, rất có thể một con chim khác cũng sẽ săn bạn. Bằng cách tặng con cái món quà giả, con đực sẽ có cơ hội làm tình nhiều hơn, bởi chúng sẽ tồn tại lâu hơn".

Heydon cho biết một số con ruồi còn tặng bạn tình một chiếc hộp rỗng bọc tơ. "Khi con cái mở được món quà và phát hiện ra nó trống trơn, thì anh chàng cũng đã giải quyết xong cô nàng".

Theo Sinh học Việt Nam
  • 534