Sắp hồi sinh loài hổ Ba Tư đã tuyệt chủng

  •   42
  • 5.770

Hổ Ba Tư là một phân loài của hổ đã bị tuyệt chủng vào những năm 1960. Tuy nhiên, mới đây các nhà khoa học cho biết họ sẽ hồi sinh loài vậy quý hiếm đã bị tuyệt chủng này.

Hổ Ba Tư, hay tên khoa học là Panthera tigris virgata, rất to lớn, nặng đến hơn 136 kg, là một trong những loài to lớn nhất trong họ nhà mèo.

Một nghiên cứu mới trên Tạp chí Bảo tồn Sinh học đã cho biết rằng một nhóm các nhà khoa học đang tìm cách hồi sinh hiệu quả loài hổ này, dựa vào một phân loài hổ khác ở miền viễn đông lạnh lẽo của Nga.

Họ là một nhóm nghiên cứu quốc tế được tài trợ bởi Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF), có một kế hoạch đầy tham vọng để lấy gene của loài hổ tương tự và đưa chúng trở lại vùng Trung Á.

Hổ Ba Tư và hổ Siberia có một tổ tiên chung.
Hổ Ba Tư và hổ Siberia có một tổ tiên chung.

Hổ Ba Tư sống chủ yếu ở một thuộc địa của Nga, vùng Turkestan, ngày đó bao gồm một phần nước Nga, Mông Cổ, Trung Quốc, Kazakhstan, Iraq, Afghanistan và vài nước Trung Á khác.

Tại đó, môi trường sống rừng rậm của chúng bị chuyển đổi hết thành đất trồng trọt, lại thêm bị lính tráng lẫn dân thường săn bắn tràn lan nên đã tuyệt chủng. Nhiều loài lợn rừng cũng đã bị tiêu diệt vào thế kỷ 20 do săn bắn, các thảm họa tự nhiên và sự lây lan dịch bệnh.

Một điều trùng hợp, khi một phân tích di truyền mới đây về một phân loài hổ khác, hổ Siberia (Amur) ở Nga, cho thấy chúng và loài hổ Ba Tư có một tổ tiên chung. Quan trọng hơn, loài hổ Siberia vẫn còn dù cũng đang có nguy cơ tuyệt chủng. Loài này đang sống ở vùng núi Sikhote Alin và tỉnh Primorye, viễn đông nước Nga.

Nghiên cứu này phát hiện ra tổ tiên chung của hai loài hổ đã di chuyển đến Trung Á từ miền đông Trung Quốc, dọc theo Con đường Tơ lụa vào khoảng 10.000 năm trước đây, vào cuối kỷ băng hà cuối cùng. Một số đến ở Turkestan và trở thành hổ Ba Tư, số khác ở vùng viễn đông Nga và thành loài hổ Siberia.

Tuy nhiên, mặc dù khác biệt về sinh học là rất nhỏ, nhưng giữa hổ Ba Tư và hổ Siberia vẫn có một số khác biệt nhất định khi xem xét ở mức độ di truyền. Những con hổ còn sống sót ở Nga sẽ được sử dụng để hồi sinh lại loài hổ Ba Tư.

Nơi sinh sống cho loài hổ Ba Tư mới đã được xác định ở Kazakhstan, nơi đây dự kiến sẽ nuôi khoảng 100 con hổ trong 50 năm tới.

Những loài động vật thức ăn của hổ, như nai, heo rừng, cũng cần được đưa trở lại vào khu bảo tồn. Các nguồn nước tự nhiên cũng cần được quy hoạch một cách cẩn thận để loài hổ Ba Tư mới được bảo tồn. Còn rất nhiều việc phải làm khác, để đảm bảo loài hổ Ba Tư có thể được hồi sinh.

Cập nhật: 23/01/2017 Theo khampha
  • 42
  • 5.770