Siêu kính viễn vọng James Webb phát hiện một tiểu hành tinh bất thường ngay ở vanh đai tiểu hành tinh giữa quỹ đạo Sao Hỏa và Sao Mộc.
Theo Science Alert, phát hiện mới đó là một tiểu hành tinh có đường kính chỉ từ 100 đến 200m, chưa từng được biết đến và là một trong những vật thể nhỏ nhất mà các kính viễn vọng không gian đã "nhặt" được ở vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc.
Nhà thiên văn học Thomas Müller từ Viện Vật lý ngoài Trái Đất Max Planck - Đức cho biết đó là một phát hiện hoàn toàn bất ngờ, cho thấy khả năng nhiều vật thể mới trước đây vô hình với nhân loại có thể được phát hiện bởi James Webb.
Ảnh đồ họa mô tả một "kẻ lang thang" giữa vành đai tiểu hành tinh - (Ảnh: N. Bartmann/ESA/Webb, ESO/M. Kornmesser and S. Brunier, N. Risinger)
Ban đầu, nhóm khoa học gia này đã sử dụng dữ liệu James Webb để tìm kiếm một tiểu hành tinh lớn hơn nhiều trong Vành đai chính - một vành đai gồm hằng hà sa số khối đá không gian nhiều kích cỡ lang thang giữa quỹ đạo sao Hỏa và sao Mộc - là (10929) 198 BC1, được phát hiện vào năm 1998 và có đường kính 15,7km.
Cuộc quan sát nhằm nghiên cứu kỹ hơn về tiểu hành tinh này, tuy nhiên đã thất bại vì James Webb không chĩa đúng hướng về phía nó và khiến hình ảnh của mục tiêu bị lóa sáng.
Tuy nhiên nhóm nghiên cứu đã thu thập được một "báu vật" khác là tiểu hành tinh mới nhỏ bé nói trên. Việc phát hiện ra thứ nhỏ như vậy trước đây là không thể. Những cái cùng kích cỡ từng lướt qua Trái đất ở khoảnh khác gần hơn rất nhiều có khi chỉ được phát hiện vài ngày trước cú tiếp cận.
Vì vậy điều này cho thấy James Webb có những tiềm năng lớn trong việc nghiên cứu các tiểu hành tinh mới, cũng như trong các sứ mệnh phòng thủ Trái đất.
Các nhà nghiên cứu vẫn đang làm việc để tìm hiểu rõ hơn trước khi xác nhận chính thức và đặt tên cho tiểu hành tinh bé nhỏ mới tìm thấy này, tuy nhiên các kết quả ban đầu đã được công bố trên Astronomy & Astrophysics.
James Webb là kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới hiện nay, vừa bắt đầu nhiệm vụ vào năm 2022. Nó được chế tạo và điều hành chính bởi NASA, với sự cộng tác của ESA và CSA (cơ quan vũ trụ của châu Âu và Canada).