"Sinh vật lạ" gây sửng sốt trên bãi biển Australia

  •  

Ngày 28/10, đàn sinh vật kỳ lạ trôi dạt vào vịnh Horseshoe nổi tiếng khiến người dân và du khách hốt hoảng.

"Sinh vật kỳ quái" trôi dạt vào bờ.
Người dân sống ở gần bãi biển Horseshoe (Australia) đã vô tình phát hiện "sinh vật kỳ quái" trôi dạt vào bờ. (Ảnh: Vicki Evans).

Đang đi dạo buổi sáng bên bờ biển Horseshoe (Port Elliot, phía nam Australia), Vicki Evans, một cư dân địa phương, tình cờ nhìn thấy những "sinh vật kỳ dị" trôi dạt trên bãi cát, theo news.com.au.

"Hơn 26 năm đi bộ quanh vịnh Horseshoe, tôi chưa bao giờ thấy thứ gì giống như thế này", Vicki viết trong một bài đăng trên Facebook. Kèm theo chia sẻ của anh là hình ảnh hàng trăm con vật có hình thù kỳ lạ với thân dài, trong suốt bám vào một trục dài hơn 10m, nằm dọc trên bãi cát.

 Hình ảnh "sinh vật kỳ dị" trôi dạt vào bãi biển Horseshoe ở Port Elliot
Hình ảnh "sinh vật kỳ dị" trôi dạt vào bãi biển Horseshoe ở Port Elliot được người dân địa phương ghi lại hôm 28/10. (Ảnh: Vicki Evans).

Một số cư dân mạng quốc tế nhận ra loài vật này và cho biết đây chính là hà ngỗng - một đặc sản quý hiếm, có giá trị cao và được săn đón ở các nước châu Âu.

Theo Bảo tàng Australia, hà ngỗng có thân dài như cao su và thường được tìm thấy thành từng nhóm lớn bám vào các vật thể nổi, trên bến tàu hoặc trôi dạt vào bờ.

“Hai loại hà chính được tìm thấy ở vùng biển Australia là hà ngỗng và hà sồi. Cả hai đều có lớp vỏ cứng bao phủ bên ngoài, điều này có thể khiến một số người tin rằng hà có họ hàng gần với ốc sên hơn là với cua và tôm hùm. Tuy nhiên, bên trong các loài hà thực chất là loài giáp xác, có chân khớp, chúng dùng chân này để bắt các hạt thức ăn nhỏ”, trang web của Bảo tàng Australia nêu rõ.

Tiến sĩ Zoe Doubleday, nhà sinh thái học biển tại Đại học Nam Australia, cho biết chưa bao giờ thấy cụm hà nào lớn như vậy. Bà nói với The Advertiser: "Có lẽ đó chỉ là một cột điện cũ của cầu tàu hoặc một cơ sở hạ tầng hàng hải nào đó đã ở dưới nước trong một thời gian dài nên mới có thể phát triển thành một cụm hà dày đặc như vậy".

Hình ảnh hà ngỗng trôi dạt vào vùng biển địa phương.
Nhiều người khác ở Nam Australia cũng chia sẻ hình ảnh hà ngỗng trôi dạt vào vùng biển địa phương. (Ảnh: Garry Walker).

Trong khi đó, nhiều người dân địa phương cho biết họ cũng phát hiện loại hà ngỗng này dọc bờ biển bao gồm cả bãi biển Middleton và bãi biển Goolwa cách đó không xa.

Thực tế, hà ngỗng hay hà cổ ngỗng (Gooseneck Barnacle) là một loại động vật thân mềm thuộc nhóm giáp xác, thường sống bám trên các tảng đá và cấu trúc gần biển. Phần vỏ của chúng có hình dạng giống chiếc cổ dài, phình ra ở đầu, trông giống như cổ ngỗng.

Một số con hà ngỗng có độ dài hơn nhìn giống ngón tay và móng tay của con người. Vì thế, ở Bồ Đào Nha người ta gọi loại hải sản này là “những ngón tay quỷ".

Hà ngỗng chỉ sống ở môi trường tự nhiên dưới biển chứ không nuôi được. Loài này có nhiều ở vùng biển Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Canada. Nhưng loại ngon nhất chủ yếu sống tại vùng cực Tây của Bồ Đào Nha.

 Hà ngỗng hay còn gọi là "ngón tay quỷ" là một trong những món đặc sản quý hiếm
Hà ngỗng hay còn gọi là "ngón tay quỷ" là một trong những món đặc sản quý hiếm nhất thế giới và được giới thượng lưu châu Âu săn đón. (Ảnh: @pacificwildpick_).

Có hình thù trông đáng sợ nhưng đây là loại hải sản được đánh giá ngon nhất thế giới, rất được săn đón ở các nước châu Âu. Người châu Âu rất yêu thích loại thực phẩm này và xem đây như một loại hải sản cao cấp bởi chúng có giá trị dinh dưỡng rất cao.

Hà ngỗng chứa nhiều nguyên tố vi lượng, có vị ngọt, thơm ngon. Nhiều thực khách từng thưởng thức miêu tả hà ngỗng ngon hơn cả tôm hùm hay cua hoàng đế.

Đặc biệt, món hà ngỗng được liệt vào danh sách các món ăn ngon ở nhiều nhà hàng sang trọng trên thế giới. Tại các nhà hàng ở châu Âu, mỗi đĩa hà ngỗng có giá khoảng 100 euro (khoảng hơn 2,5 triệu đồng).

Tuy nhiên, do chỉ có trong tự nhiên nên việc khai thác hà ngỗng tương đối vất vả và nguy hiểm. Ở vùng Galicia, Tây Ban Nha, chính quyền chỉ cho mỗi người thợ săn có bằng bơi lặn đi săn "ngón tay quỷ" mỗi ngày 6 kg, nếu vi phạm sẽ ngay lập tức bị tước bằng và nghiêm cấm săn bắt. Đây cũng là nguyên nhân lý giải vì sao hà ngỗng lại được xếp vào loại hải sản quý hiếm và đắt đỏ nhất thế giới.

Cập nhật: 01/11/2024 Znews