Năm 2007, Đề án tổng thể bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy đề ra mục tiêu xử lý tất cả các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng; khắc phục, cải tạo một số đoạn sông bị ô nhiễm nặng... Đây là nội dung được thống nhất Hội nghị liên tỉnh triển khai xây dựng Đề án tổng thể bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy được tổ chức vào ngày 24/4 tại Hà Nội.
Hội nghị có sự tham dự của sáu địa phương: Hà Nội, Hà Tây, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Hà, Nam Định.
Cùng ’’chia sẻ’’... ô nhiễm
Chất lượng nước của 2 sông Nhuệ - Đáy đã được cảnh báo ở mức độ ô nhiễm trung bình đến ô nhiễm nặng, nặng nhất là từ Cống Thần, Đồng Quan chảy về phía Hà Nội, Hà Đông. Theo dự báo của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, tải lượng ô nhiễm vào lưu vực sông Nhuệ từ đập Thanh Liệt sẽ tăng lên gần 16% trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2010.
Ông Trần Văn Giai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định diễn giải, từ năm 1937, sau khi xây dựng xong đập Đáy, nước sông Hồng không thường xuyên chảy vào sông Đáy. Dẫn đến, 71 km của sông Nhuệ - Đáy (phần đầu nguồn sông từ km 0 đến Ba Thá) coi như là đoạn sông chết.
Cống nước thải từ làng lụa Hà Tây (Ảnh: vacne.org.vn) |
Trong phạm vi sông Nhuệ - Đáy có tới 700 nguồn thải công nghiệp, làng nghề, bệnh viện và sinh hoạt. Đây là nguồn gây ô nhiễm chính cho sông Nhuệ và sông Đáy. |
Tại Hội nghị, Hà Nội đề xuất thành lập Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy với sự tham gia của các địa phương, bộ ngành, các nhà khoa học... nhằm hoạch định và trình Chính phủ các nhiệm vụ, kế hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy một cách cụ thể, rõ ràng.
Ông Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, việc bảo vệ môi trường nước trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy là việc khó cần phải làm lâu dài và có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ các cơ quan và các địa phương liên quan.
Trong năm 2007, Đề án tổng thể bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy đề ra mục tiêu xử lý tất cả các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng; khắc phục, cải tạo một số đoạn sông bị ô nhiễm nặng; khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước phục vụ nông nghiệp trong mùa khô...
Các địa phương cũng thống nhất quan điểm, việc bảo vệ môi trường nước trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy là việc khó cần phải làm lâu dài và có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ các cơ quan và các địa phương liên quan.
Theo đó, nếu không có sự chung tay và thực hiện ngay các biện pháp bảo vệ môi trường để ’’cứu’’ sông Nhuệ - Đáy thì việc ’’khai tử’’ dòng sông này là điều không tránh khỏi!
Kiều Minh