Sử dụng chế phẩm sinh học nuôi tôm càng xanh

  •  
  • 2.427

Thời gian gần đây, nhiều hộ nuôi tôm càng xanh trong tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện phương pháp nuôi có sử dụng chế phẩm sinh học, bước đầu mang lại hiệu quả khá cao, thu lợi nhuận ổn định. Mô hình này đang được nhân rộng tại nhiều địa phương.

Mô hình nuôi tôm càng xanh sử dụng chế phẩm sinh học được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp với Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười thực hiện trong vụ nuôi tôm năm 2011, tại xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười với 3 hộ nuôi, tổng diện tích mặt nước là 21ha.

Các hộ nuôi theo mô hình được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hỗ trợ 100% chế phẩm sinh học, và trong quá trình nuôi được cán bộ kỹ thuật theo dõi thường xuyên ao nuôi về chỉ tiêu môi trường, trọng lượng, kỹ thuật, cách cho ăn...

Các hộ nuôi chủ yếu sử dụng chế phẩm sinh học của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gia Tường gồm: men tiêu hóa FEEDADD NC 5.1, chế phẩm vi sinh xử lý nước D.EM, chế phẩm vi sinh xử lý đáy ao và giảm tảo AS3 giúp tiêu hóa tốt thức ăn, phân hủy chất hữu cơ, chất thải của tôm, chuyển hóa các khí độc trong ao xuống mức thấp nhất, cải thiện màu nước...

Tôm càng xanh
Tôm càng xanh

Quá trình thực hiện, 3 hộ nuôi được thí nghiệm trên các ao đối chứng và ao có sử dụng chế phẩm sinh học độ pH cùng hàm lượng khí độc NH3 nằm trong giới hạn cho phép, hàm lượng ôxy hòa tan thích hợp tạo điều kiện thuận lợi cho tôm khỏe, tăng trọng nhanh.

Qua 6 tháng thực hiện mô hình, các hộ nuôi đều khẳng định việc sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm càng xanh tạo được nhiều thuận lợi, môi trường nước ổn định, tỷ lệ tôm sống cao, ít bệnh và phát triển tốt. Ngoài việc cải thiện về môi trường nước, đảm bảo cho tôm phát triển, năng suất và lợi nhuận từ mô hình đã tạo sự phấn khởi cho người nuôi.

Bà Nguyễn Thị Thu Diệu - có hơn 3 ha diện tích thả nuôi theo quy trình sinh học, mật độ thả tôm giống từ 11-12con/m2, trong quá trình nuôi tôm, định kỳ hàng tuần bà cùng cán bộ kỹ thuật kiểm tra các yếu tố môi trường, nếu thấy mẫu nước trong ao có nhiều vi khuẩn gây hại cho tôm thì xử lý bằng cách đánh vi sinh liều cao để khống chế. Kết quả vụ tôm năm 2011, bà Diệu thu hoạch trúng đậm, lãi trên 340 triệu đồng, cùng diện tích 3ha nhưng ao nuôi có sử dụng chế phẩm sinh học đạt 200 triệu đồng, còn ao đối chứng chỉ thu được 140 triệu đồng.

Từ kết quả này, để nâng cao hiệu quả cho người nuôi tôm, từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm rủi ro trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh Đồng Tháp có chủ trương quy hoạch, xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm vi sinh, nuôi tôm sạch. Hoạt động này nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Theo Chi cục thủy sản tỉnh Đồng Tháp, qua sử dụng chế phẩm vi sinh vào nuôi tôm càng xanh tại các địa phương trong tỉnh đã được các ngành chức năng công nhận, tôm nuôi bằng quy trình này đạt chất lượng tôm sạch và đảm bảo được nhu cầu xuất khẩu. Chi cục khuyến cáo người dân tích cực chăn nuôi theo mô hình này nhằm tăng sản lượng tôm, không ảnh hưởng môi trường.

Việc phát triển nuôi tôm càng xanh ở Đồng Tháp đang trở thành thế mạnh sau cây lúa và cá tra trong nhiều năm qua, nhiều diện tích trồng lúa đã trở thành ruộng tôm. Năm 2012, toàn tỉnh có kế hoạch thả nuôi 2.200 ha.

Theo Vietnam+
  • 2.427