Sự thật về giá trị dinh dưỡng của "quái vật" tôm hùm đất

  •  
  • 768

Theo chuyên gia, tôm hùm đất không giàu dinh dưỡng và thơm ngon như quảng cáo của người bán. Tôm hùm đất là sinh vật ngoại lai tàn phá hệ sinh thái bản địa nên bị cấm buôn bán, nhân nuôi.

Tôm hùm đất "đổ bộ" chợ mạng

Vài ngày trở lại đây, trên các chợ hải sản online, nhiều người rao bán tôm hùm đất sống với số lượng lớn. Loại tôm hùm này chỉ nhỏ như tôm thẻ ở nước ta, thịt khá ít. Tuy nhiên, chúng được dân buôn quảng cáo khi nấu chín có màu đỏ vô cùng hấp dẫn, thịt chắc và ngọt. Khách có thể mua về làm món tôm hùm xốt bơ tỏi, xốt me hoặc xào cay…

Hiện mức giá phổ biến được các đầu mối rao bán từ 360.000-400.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá tôm hùm đất giảm khoảng 30-40%, nhưng vẫn đắt đỏ hơn so với tôm thẻ của nước ta bán ngoài chợ. Thời điểm tháng 5-7 là mùa của tôm hùm đất ở Trung Quốc. Năm nay, nguồn cung dồi dào, hàng đổ về chợ với số lượng lớn nên giá bán cũng giảm mạnh so với những năm trước đó.


Tôm hùm đất không có nhiều dinh dưỡng, lượng thịt rất ít.

Chị Lê Thu Thảo, một đầu mối bán tôm hùm đất trên facebook chia sẻ, loại tôm này sống rất khỏe, được nhiều khách mua nên các đầu mối nhập như chị rất thích. Tôm có thể sống khỏe mạnh cả ngày mà không cần nước. Nếu nhập số lượng lớn thì chỉ cần cho vào bể nước là cả tuần vẫn khỏe, không có hiện tượng tôm yếu, tôm chết nên tỉ lệ hao hụt rất thấp.

Chị Thảo chia sẻ tôm dịp này về với số lượng lớn, khách đặt mua sẽ được giao hàng ngay trong ngày. Giá bán công khai chỉ 370.000 đồng/kg, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. "Tôm hùm đất về chợ có size 35 con/kg, hàng sống rất khỏe. Loại tôm này được đóng vào các túi lưới theo trọng lượng 1 kg/túi rồi vận chuyển về chợ", chị nói. Hàng ngày, chị nhập tôm từ các đầu mối lớn tùy vào lượng khách đặt. Có ngày chỉ 30-40kg, cũng có ngày nhập lên tới trên dưới 1 tạ.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, tôm hùm đất (hay còn gọi là tôm hùm nước ngọt) có tên khoa học là Procambarus clarki. Loại tôm này có tên trong Phụ lục 2 Loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại ban hành kèm theo thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành năm 2018.

Tôm hùm đất sống cũng không có tên trong Phụ lục VIII Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam - ban hành kèm theo Nghị định số 26 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Theo các chuyên gia thủy sản, tôm hùm đất có thể trở thành đại họa của ngành nông nghiệp. Bởi tập tính của chúng là sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm. Chúng có thể đào hang trú ẩn sâu 100-200cm, sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ 0-37 độ C. Thức ăn chủ yếu của loại tôm này là mùn bã hữu cơ, ngũ cốc, khô đậu, rau quả, cỏ non, rong cỏ nước, tảo sống bám, côn trùng, sinh vật đáy cỡ nhỏ, xác động vật, thức ăn chế biến...

Tôm hùm đất chủ yếu là vỏ, thịt không thơm ngon như quảng cáo

TS Nguyễn Quang Huy, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cho biết, Việt Nam đã nhập khẩu tôm hùm đất từ Trung Quốc, nuôi thử nghiệm ở tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình và Hà Nam vào năm 2006. Kết quả cho thấy loài này sống ẩn nấp trong rễ cây ven sông hồ, thậm chí bò lên cạn thở bằng oxy, thường đào hang sâu 1-2 m nên có khả năng phá hủy hệ thống tưới tiêu nông nghiệp. Chúng còn là vật chủ lây truyền, phát tán nhiều loại bệnh dịch ra môi trường, cạnh tranh thức ăn, tiêu diệt loài tôm, cá bản địa.

 Tôm hùm đất
 Tôm hùm đất là những vật chủ lây truyền, phát tán nhiều loại bệnh dịch ra môi trường nơi chúng sinh sống.

TS Nguyễn Quang Huy cho biết, việc đưa loài này vào nuôi ở Việt Nam có thể đem lại chút lợi ích trước mắt, nhưng tác hại gây ra cho nông nghiệp rất khủng khiếp, kéo dài. Chúng bò nhanh, phát tán rộng, khó tiêu diệt hơn ốc bươu vàng. Nếu không cấm mà cho nuôi tôm càng đỏ thì từ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái cho đến các ngành nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa gạo nguy cơ cao gánh chịu thiệt hại vô cùng lớn, hậu họa để lại lâu dài.

Theo chuyên gia, tôm hùm đất là những vật chủ lây truyền, phát tán nhiều loại bệnh dịch ra môi trường nơi chúng trú ngụ, sinh sống. Nhiều nước cấm nuôi tôm hùm đất, một số nước cho phép nuôi ở khu vực nhất định nhưng kiểm soát chặt chẽ. Ở quốc gia cho phép nuôi, phần lớn là có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, họ buộc phải cho phép nuôi giống tôm này vì lợi ích kinh tế nhưng đi kèm với biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.

Về thông tin cho rằng tôm hùm đất là loài cho thịt thơm ngon hơn cả tôm sú, TS Nguyễn Quang Huy cho biết, tôm càng đỏ chỉ có 30% thịt và 70% vỏ, hàm lượng thịt và dinh dưỡng không cao hơn hay ngon hơn tôm sú, tôm thẻ chân trắng của Việt Nam đang có. Tôm hùm đất không có giá trị kinh tế cao.

Thịt của chúng rất ít, một cân giá khoảng 400.000 đồng song chỉ có 3 lạng thịt, còn lại toàn vỏ. So với các loài tôm bản địa như tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh thì không thể ngon bằng. Nhiều người ăn tôm càng đỏ vì lạ miệng, lâu dần sẽ chán. "Chúng ta có nhiều giống tôm tốt hơn để lựa chọn thì tại sao phải cho phép nuôi tôm càng đỏ với nhiều mầm họa?", chuyên gia đặt câu hỏi.

Theo TS Nguyễn Quang Huy, nếu không cấm mà cho nuôi những loài này thì từ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái cho đến các ngành nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa gạo nguy cơ cao gánh chịu thiệt hại vô cùng lớn, hậu họa để lại lâu dài.

Chúng ta không ai được mua bán, dùng để ăn, dù có ngon, có rẻ đến đâu cũng nhất thiết không sử dụng vì sự quan trọng của việc bảo vệ tính đa dạng sinh học bản địa, vì sự bền vững của nền sinh thái nông nghiệp và vì sự an toàn lương thực của một nước trồng lúa trên quy mô rộng lớn và còn khá manh mún như ở nước ta.

Có thời điểm, Bộ NN&PTNT phải ra công văn hỏa tốc yêu cầu các tỉnh, thành và cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, truy quét tôm hùm đất. Nếu phát hiện phải tiêu hủy ngay, đồng thời xử nghiêm các hành vi buôn bán để tránh phát tán loại sinh vật ngoại lai này ra môi trường.

Cập nhật: 14/06/2024 SKĐS
  • 768