Tại sao những con tuần lộc của ông già Noel biết bay?

  •   45
  • 6.288

Câu chuyện về ông già Noel và những con tuần lộc biết bay có thể liên quan đến một loại nấm gây ảo giác hay còn gọi là nấm “ma thuật”.

>>> Tại sao mũi tuần lộc của ông già Noel lại có màu đỏ

“Ông già Noel là bản sao thời hiện đại của một pháp sư, người thường sử dụng các loài cây cỏ có khả nằng làm thay đổi nhận thức để nói chuyện với thế giới tâm linh”, John Rush, nhà nhân chủng học và giảng viên trường Cao đẳng Sierra ở Rocklin, California cho biết.

Theo giả định, huyền thoại về ông già Noel bắt nguồn từ nhóm pháp sư ở vùng Siberia và Bắc Cực với những lần ghé thăm nhà người dân địa phương vào cuối tháng 12 cùng cái túi đầy nấm ảo giác như một món quà.

“Vài trăm năm trước, những vị pháp sư, thầy tu thường thu thập Amanita muscaria (loài nấm độc Basidiomycete thuộc chi Amanita, nổi tiếng với tính chất gây ảo giác của nó, với thành phần là các hợp chất muscimol), sấy khô chúng và dùng làm quà tặng vào tiết đông chí”, Rush nói.

“Bởi vì vào thời gian này tuyết thường rơi rất nhiều, chặn hết lối cửa chính cho nên họ phải vào nhà từ lối dự phòng trên mái, câu chuyện về chiếc ống khói cũng bắt nguồn từ đó”.

Nhưng theo một số nhà sử học, tâm lý học và chuyên gia nghiên cứu ảnh hưởng của các loại nấm từng xuất hiện trong xã hội loài người, đó chỉ là sự khởi đầu của các kết nối biểu tượng giữa nấm Amanita muscaria và Giáng sinh. Tất nhiên, không phải ai cũng đều đồng ý rằng câu chuyện về ông già Noel được gắn với một thứ ảo giác.

Trong cuốn sách “Mushrooms and Mankind” (2003), tác giả James Arthur chỉ ra rằng Amanita muscaria là loài bản địa ở khắp các vùng ôn đới và phương bắc của Bắc bán cầu, sống dưới tán cây lá kim và cây bạch dương dưới dạng sinh vật cộng sinh, có màu đỏ điểm đốm trắng.

Điều này phần nào giải thích cho sự có mặt của cây thông với các món quà màu đỏ và trắng bên dưới gốc trong ngày Giáng sinh. Hơn nữa, tuần lộc là loài phổ biến ở Siberia. Donald Pfister, một nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu về nấm tại Đại học Harvard, cho biết việc sử dụng loại nấm gây ảo giác này khiến bộ lạc Siberia nghĩ rằng tuần lộc có thể bay.

Con tuần lộc của ông già Noel
Con tuần lộc của ông già Noel

Cũng trong cuốn sách này, Arthur đã viết xe trượt tuyết và tuần lộc của ông già Noel là những hình tượng liên quan đến thần thoại Bắc Âu. Ví dụ, thần Thor đã bay trên một chiếc xe có hai con dê. Trong các câu chuyện kể thời hiện đại, hình ảnh này biến thành những con tuần lộc của ông già Noel, trong đó con tuần lộc với cái mũi giống như một cây nấm màu đỏ làm nhiệm vụ dẫn đường cho các con khác.

Tuy nhiên, có không ít sử gia khác lại không đồng tình với sự kết nối giữa ông già Noel và pháp sư hay nấm ma thuật, bao gồm Stephen Nissenbaum, tác giả của cuốn sách về nguồn gốc những tập tục trong ngày Giáng sinh, và Penne Restad, đến từ trường Đại học Texas.

Họ nói rằng giả thuyết “nấm - ông già Noel” là không có cơ sở. “Nếu bạn nhìn vào bằng chứng của Saman giáo ở Siberia, bạn sẽ thấy rằng pháp sư không đi lại bằng xe trượt tuyết, càng không dính dáng gì đến những con tuần lộc, rất hiếm khi sử dụng nấm để thôi miên, cũng không có quần áo màu đỏ và trắng”.

Theo Báo Đất Việt
  • 45
  • 6.288