Việc khôi phục một sử thi cổ đại là công việc đòi hỏi kiên nhẫn và quá trình lâu dài. Tuy nhiên, AI xuất hiện đã giúp đẩy nhanh quá trình khôi phục này.
Nhiều học giả đã nỗ lực tìm kiếm và khôi phục các đoạn Sử thi Gilgamesh - một trong những văn bản văn học lâu đời nhất thế giới. Hiện tại, sự tham gia của AI mang lại "sự tăng tốc cực độ" cho quá trình này.
Năm 1872, khi đang nghiên cứu một tấm đất sét đầy bụi bẩn tại Bảo tàng Anh, George Smith, nhân viên bảo tàng, tình cờ phát hiện những từ có thể thay đổi cuộc đời ông. Bằng chữ hình nêm cổ, ông phát hiện ra câu chuyện về trận đại hồng thủy thời cổ đại.
"Tôi là người đầu tiên đọc được điều đó sau hơn 2.000 năm bị lãng quên", Smith nói trong sự phấn khích điên cuồng. Smith nhận thấy tấm đất sét chính là một phần nhỏ của một tác phẩm dài hơn nhiều - một tác phẩm mà lúc đó một số người nghĩ rằng có thể giúp làm sáng tỏ Sách Sáng Thế trong Kinh Thánh.
Phù điêu thể hiện hình ảnh Gilgamesh, trưng bày tại Bảo tàng Louvre. (Ảnh: Thierry Ollivier/Museé du Louvre).
Khám phá này đã giúp Smith, người xuất thân từ một gia đình thuộc tầng lớp lao động và phần lớn đã tự học chữ hình nêm, trở nên nổi tiếng. Ông dành phần còn lại của cuộc đời mình để tìm kiếm những mảnh thơ còn thiếu, thực hiện nhiều chuyến đi đến Trung Đông trước khi qua đời vì bệnh tật trong chuyến đi cuối cùng vào năm 1876, ở tuổi 36.
Trong 152 năm kể từ phát hiện của Smith, các thế hệ Assyriologist kế tiếp - những chuyên gia nghiên cứu về chữ hình nêm và các nền văn hóa sử dụng nó - đã đảm nhận nhiệm vụ ghép lại một phiên bản hoàn chỉnh của bài thơ mà ngày nay được gọi là Sử thi Gilgamesh.
Các mảnh sử thi, được viết cách đây hơn 3.000 năm và dựa trên những tác phẩm vẫn còn trước đó, đã xuất hiện trở lại dưới dạng những tấm phiến được khai quật trong các cuộc khai quật khảo cổ. Chúng được tìm thấy trong các phòng lưu trữ của bảo tàng hoặc xuất hiện trên chợ đen.
Một phần của sử thi Gilgamesh trên phiến đá đất sét.
Các nhà nghiên cứu phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn. Có tới nửa triệu tấm phiến đất sét nằm trong bộ sưu tập về người Lưỡng Hà của nhiều viện bảo tàng và trường đại học trên thế giới, cùng nhiều mảnh vỡ tấm phiến khác. Nhưng vì có quá ít chuyên gia về chữ hình nêm, nhiều bản trong số này chưa được đọc và nhiều bản khác chưa được xuất bản.
Vì vậy, bất chấp nỗ lực của nhiều thế hệ, khoảng 30% Sử thi Gilgamesh vẫn bị mất tích và có những lỗ hổng trong cách hiểu về cả bài thơ và lối viết của người Lưỡng Hà nói chung.
Rất may, một dự án trí tuệ nhân tạo có tên Fragmentarium đang giúp lấp đầy những lỗ hổng còn thiếu trong Sử thi Gilgamesh. Được dẫn dắt bởi Giáo sư Enrique Jiménez tại Viện Assyriology của Đại học Ludwig Maximilian ở Munich, đội ngũ Fragmentarium ghép các mảnh phiến được số hóa lại với nhau bằng tốc độ nhanh hơn nhiều so với tốc độ mà một nhà Assyriologist có thể làm được.
Cho đến nay, AI đã giúp các nhà nghiên cứu khám phá những đoạn mới của Sử thi Gilgamesh cũng như hàng trăm từ, dòng còn thiếu trong nhiều tác phẩm khác. Giáo sư danh dự Andrew George tại Đại học London, là người có thẩm quyền hàng đầu về Sử thi Gilgamesh, người đã tự mình thực hiện một trong những bản dịch sử thi sang tiếng Anh, cho biết: "Đây là một sự tăng tốc cực độ so với những gì đang diễn ra kể từ thời George Smith".
Trước năm 2018, chỉ có khoảng 5.000 mảnh phiến được tìm thấy. Trong 6 năm kể từ đó, nhóm của Jiménez đã ghép thành công hơn 1.500 mảnh phiến khác, bao gồm cả những mảnh liên quan đến một bài thánh ca mới được phát hiện về thành phố Babylon và 20 mảnh từ Gilgamesh bổ sung thêm chi tiết cho hơn 100 dòng sử thi.
Nhiều mảnh phiến đất sét được lưu giữ trong bảo tàng, thư viện và các bộ sưu tập khác vẫn chưa được xác định và giải mã. (Ảnh: Enrique Jiménez).
Giáo sư Jiménez cho biết các mảnh Gilgamesh cung cấp thêm nhiều chi tiết hấp dẫn về câu chuyện.
Trọng tâm của bộ sử thi là câu chuyện về tình bạn giữa Gilgamesh - một á thần, vua của Uruk - cùng người bạn đồng hành hoang dã của ông, Enkidu. Sau khi Gilgamesh và Enkidu giết Humbaba (quái vật bảo vệ Rừng Cedar), các vị thần đã giết Enkidu để trả thù. Sau đó, Gilgamesh từ chối chôn cất Enkidu cho đến sau 7 ngày, khi một con giòi rơi ra từ mũi của Enkidu.
"Làm sao tôi có thể im lặng được? Khi người bạn Enkidu, người tôi yêu quý, đã biến thành đất sét. Lẽ nào tôi cũng giống anh ấy, nằm xuống, không bao giờ sống lại, cho đến đời đời sao?", Gilgamesh liên tục hỏi.
Để thoát khỏi bóng ma về cái chết, Gilgamesh thực hiện hành trình tìm kiếm tổ tiên của mình là Utnapishtim, một nhân vật giống như Noah - người sống sót sau trận đại hồng thủy - và học được bí mật dẫn đến sự bất tử.
Sau một thời gian, Gilgamesh cuối cùng đã tìm thấy Utnapishtim. Nhưng người anh hùng đại hồng thủy không thể giúp Gilgamesh đạt được sự bất tử. Thay vào đó, Utnapishtim chia sẻ câu chuyện về cuộc sống của mình trước và trong trận lụt. Phần kết của sử thi gợi ý rằng trí tuệ của Utnapishtim và kiến thức mà anh ta mang lại là một trong những phần thưởng chính cho cuộc hành trình của Gilgamesh.
Một vài mảnh phiến vỡ từ Bảo tàng Anh mà nhóm của Giáo sư Enrique Jiménez đã làm việc. (Ảnh: TheBritishmuseum).
Những mảnh vỡ mới được phát hiện với sự trợ giúp của AI tiết lộ các yếu tố bổ sung nhiều chi tiết quan trọng cho câu chuyện này. Ví dụ, một trong số chúng tiết lộ rằng sau khi giết quái vật rừng, Gilgamesh và Enkidu đã tới Nippur, trung tâm tôn giáo của Mesopotamia và là quê hương của thần Enlil. "Họ đến đó cùng nhau, trong nỗ lực xoa dịu sự tức giận của Enlil vì họ đã giết Humbaba, người được ông bảo trợ", Giáo sư Jiménez tiết lộ.
Benjamin R. Foster, Giáo sư chuyên nghiên cứu chữ hình nêm và là dịch giả Gilgamesh tại Đại học Yale, cho biết những phát hiện mới cũng tiết lộ chi tiết về nỗ lực của Enkidu trong việc thuyết phục Gilgamesh không giết Humbaba. Những dòng khác kể về lời cầu nguyện của mẹ Gilgamesh cầu xin thần Mặt trời chạm vào Enkidu để ông có thể dẫn Gilgamesh đi qua Rừng Cedar.
Một số phát hiện mới này đã được Sophus Helle (Nhà xuất bản Đại học Yale, 2021) và George (Penguin Classics, 2020) đưa vào bản dịch tiếng Anh của cuốn Gilgamesh. Những phát hiện gần đây nhất vẫn chưa được công bố, nhưng nhóm của Jiménez sẽ sớm cung cấp tất cả tác phẩm mới ra cho công chúng như một phần của bản dịch Gilgamesh được xuất bản trên Thư viện Điện tử về người Babylon.
Helle bị hấp dẫn bởi cách sử thi tiếp tục lộ diện. "Nó rất cổ xưa nhưng vẫn rất sống động và liên tục thay đổi khi tôi thực sự làm việc với nó. Nhưng điều đó khiến việc dịch thuật càng trở nên khó khăn hơn", chuyên gia này nói.
Jiménez lạc quan rằng AI sẽ cho phép các nhà nghiên cứu rút ra nhiều mối liên hệ hơn giữa những loại văn bản cổ này. Nhóm của ông đã hoàn thành công việc với Bảo tàng Anh và đang làm việc với các đồng nghiệp tại Bảo tàng Iraq, ở Baghdad, nơi ông hy vọng sẽ tìm thấy thêm nhiều mảnh của Sử thi Gilgamesh.