Tết xưa và Tết nay có gì khác nhau?

  •  
  • 396

Chẳng mấy chốc mà hết năm, một năm mới nữa lại đến. Mọi người ai ai cũng tất bật trong những ngày cuối năm này để chuẩn bị cho một năm mới tốt lành. Vậy Tết của thời đại 4.0 khác gì với Tết những ngày trước kia?

Tết xưa đốt pháo - Tết nay xem pháo hoa

Theo quan niệm xưa, tiếng pháo ngày Tết có ý nghĩa để xua đuổi tà ma và mong ước cho một năm làm ăn và sinh sống suôn sẻ. Có rất nhiều loại pháo khác nhau: pháo tép, pháo đùng, pháo cối, pháo dây, pháo chuột, pháo thăng thiên. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho người dân mà đốt pháo ngày Tết đã không còn phổ biến. Thay vào đó là bữa tiệc pháo hoa hoành tráng được tổ chức ở các thành phố để chào đón một năm mới thịnh vượng.

Tết xưa nấu bánh chưng - Tết nay đặt mua

Người xưa thường hay đùa rằng thấy bánh chưng là thấy Tết. Quả đúng là như vậy.

Gói bánh chưng, bánh tét vào dịp Tết là một nét truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Theo truyền thuyết "Bánh chưng, bánh dày", tục gói bánh chưng bắt nguồn từ đời Vua Hùng Vương thứ 6. Kể từ đó tục gói bánh chưng được lưu truyền trong nhân gian và là những lễ vật không thể thiếu khi dâng cúng tổ tiên mỗi dịp Tết đến, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn của hậu thế. Chiếc bánh chưng là tượng trưng cho Đất với sự đầy đủ ấm no, bởi bên trong là nếp, đậu xanh và thịt lợn.

Bánh chưng
Gói bánh chưng, bánh tét vào dịp Tết là một nét truyền thống của dân tộc ta từ ngàn đời nay.

Nếu như gói bánh chưng là truyền thống khi gia đình sum họp, đoàn tụ bên nhau. Ngày nay, cuộc sống với bao bộn bề bận rộn, mọi người lại chọn cách mua bánh chưng ngoài hàng quán để tiết kiệm thời gian.

Tết xưa nhận phong bao lì xì - Tết nay lì xì qua ứng dụng

Phong tục nhận lì xì được phổ biến ở các nước châu Á như Trung Quốc Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Theo truyền thống, sáng mùng một Tết, cả gia đình sẽ sum họp lại với nhau. Trẻ nhỏ chúc những lời tốt đẹp đến ông bà, cha mẹ và nhận từ người lớn những phong bao lì xì đỏ để lấy lộc đầu năm. Theo tiếng Trung Quốc, tiền lì xì là tiền đem lại cái may mắn, điều lành, điều tốt cho trẻ em dịp đầu năm.

Để bắt kịp với sự phát triển của thế giới, những ứng dụng nhận - chuyển tiền ngày càng nhiều hơn dần dần thay thế tiền mặt. Nhận phong bao lì xì cũng không ngoại lệ. Trong bối cảnh dịch bệnh, khi mà mọi người không thể tiếp xúc gần với nhau, ví điện tử ngày càng phổ biến rộng rãi hơn. Từ đó, nhận lì xì online không còn là điều khó khăn, xa lạ với mọi người. Nhận lì xì online vừa nhanh, tiện mà còn an toàn với không bị đánh rơi phong bao hoặc để quên ở đâu đó khi đi chơi xuân.

Tết xưa qua nhà chúc Tết - Tết nay chúc mừng online

Phong tục chúc Tết đầu năm thể hiện sự tri ân của con cháu với ông bà cha mẹ, hai bên nội ngoại. Cùng với đó là tinh thần "Uống nước, nhớ nguồn" bao đời của người Việt. Phong tục chúc Tết được khẳng định là văn hóa bản địa của người Việt, là truyền thống được người dân gìn giữ từ bao đời nay.

Nếu như Tết xưa gia đình sum họp, cùng nhau đi chúc Tết ông bà, họ hàng, người thân. Thì ngày nay, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh mọi người có thể gửi những lời chúc tốt đẹp đến muôn nơi. Dù rất tiện lợi nhưng cũng có mặt trái. Khi ý nghĩa của ngày Tết là gia đình được trở về bên nhau sau bao ngày tháng bươn trải ở ngoài. Vậy nhưng, nhờ chiếc điện thoại thông minh mà mọi người đã dần “lười” hơn khi nghĩ rằng chỉ cần gọi điện video mà không cần phải trở về nhà.

Tết xưa gia đình sum họp - Tết nay đi du lịch muôn nơi

Ngày Tết Nguyên Đán là lễ hội của dân tộc và cũng là ngày hội của gia đình. Nếu Tết xưa mọi người chỉ ở nhà đi chúc Tết họ hàng, người thân. Mẹ phải tất bật chuẩn bị đồ ăn, quà Tết, ba thì sắm cây đào, cây mai, đồ dùng trong nhà, con cái dọn dẹp nhà cửa. Nói là nghỉ Tết nhưng thực chất mọi người ai ai cũng bận rộn. Vậy nên, ngày nay hầu hết mọi người chọn cách đi du lịch để thật sự được nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả.

Tết là kỳ nghỉ dài nhất năm nên mọi người muốn khám phá những địa điểm mới.
Tết là kỳ nghỉ dài nhất năm nên mọi người muốn khám phá những địa điểm mới.

Xu hướng du lịch ngày Tết đang ngày một tăng, một phần vì nhu cầu đời sống của người dân ngày tăng cao, phần khác đây là kỳ nghỉ dài nhất năm nên mọi người muốn khám phá những địa điểm mới. Việc Tết trở về với gia đình hay đi du lịch là vấn đề gây tranh cãi lớn trên cộng đồng mạng. Tuy nhiên, đó là sự lựa của mỗi cá nhân miễn sao bạn và gia đình đều vui vẻ với quyết định đó.

Dù Tết xưa - Tết nay khác nhau khá nhiều, mọi thứ dù có thay đổi theo thời gian ông bà ta vẫn sẽ truyền đạt lại cho con cháu những nét đẹp truyền thống về ngày Tết cổ truyền. Bởi vì, cốt lõi của ngày Tết là gia đình sum vầy, ấm no, hạnh phúc.

Cập nhật: 16/12/2022 GDTĐ
  • 396