Tham vọng chụp ảnh trực diện bản sao Trái Đất

  •  
  • 2.559

Một nhóm nhà thiên văn học lên kế hoạch phóng vệ tinh năm 2019 để chụp trực diện Proxima b, "bản sao Trái Đất" quay quanh ngôi sao gần hệ Mặt Trời nhất.

Dự án Project Blue được tổ chức phi lợi nhuận BoldlyGo Institute công bố vào đầu tuần này nhằm ghi lại những hình ảnh của hệ thống sao Alpha Centauri ở cách hệ Mặt Trời 4,37 năm ánh sáng vào năm 2022, theo IFL Science. Dự án lấy cảm hứng từ bức ảnh chụp Trái Đất mang tên Pale Blue Dot nổi tiếng do tàu thăm dò Voyager 1 thực hiện năm 1990 ở khoảng cách 6 tỷ km.

Hình mô phỏng hệ thống sao Alpha Centauri
Hình mô phỏng hệ thống sao Alpha Centauri. (Ảnh: ESA).

Với chi phí 50 triệu USD, dự án sử dụng một vệ tinh thiết kế đặc biệt để quan sát hệ thống sao Alpha Centauri trong hai năm với hy vọng có thể chụp ảnh hành tinh Proxima b. Đây không phải là hình ảnh trực tiếp đầu tiên về một hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời nhưng với khoảng cách chụp gần, bức ảnh chắc chắn sẽ hé lộ nhiều đặc trưng thú vị trên hành tinh như sự tồn tại của nước hoặc bầu khí quyển.

Để chụp ảnh, vệ tinh sẽ sử dụng tấm chắn (coronagraph) để ngăn ánh sáng phát ra từ ngôi sao mẹ. "Dự án Project Blue sẽ kiểm nghiệm công nghệ tấm chắn và tiền sóng tương tự như công nghệ áp dụng cho những kính viễn vọng không gian lớn hơn trong tương lai mà Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang nghiên cứu", nhóm thực hiện dự án cho biết.

Kính viễn vọng của Project Blue sẽ nỗ lực ghi lại hình ảnh của hệ thống Alpha Centauri, bao gồm hành tinh Proxima b. "Proxima b nằm trong khu vực có thể tồn tại sự sống nhưng quay quanh ngôi sao mẹ ở khoảng cách gần hơn 9 lần so với sao Thủy và Mặt Trời. Khoảng cách ngắn giữa Proxima b và ngôi sao mẹ có thể được giải quyết bằng kính viễn vọng không gian nhỏ, nhưng đòi hỏi thiết bị lớn và đắt tiền để chụp ảnh trực tiếp", Jon Morse, chủ tịch BoldlyGo Institute, chia sẻ.

Cập nhật: 13/10/2016 Theo VnExpress
  • 2.559