Thằn lằn bay to bằng phi cơ

  •  
  • 2.000

Các nhà khoa học bây giờ mới nhận ra rằng những con bò sát khổng lồ bay trên bầu trời khoảng 65 triệu năm trước có kích cỡ to gấp đôi nhận định ban đầu, với sải cánh dài ít nhất 18 m.

Kích cỡ đó có thể tương ứng với sải cánh mở rộng hết cỡ của chiếc máy bay chiến đấu F-14 và gấp 5 lần một con hải âu - một trong những loài chim có sải cánh rộng nhất thế giới hiện đại.

Tiến sĩ David Martill tại Đại học Portsmouth ở miền Nam nước Anh cho biết, nghiên cứu của ông có thể giúp trả lời câu hỏi làm thế nào những sinh vật khổng lồ này có thể bay lên trời và ngự trị trên đó.

Martill thông báo đã tìm thấy những dấu chân hoá thạch rõ nét ở Mexico chứng tỏ chúng thuộc về một sinh vật có sải cánh rộng 18 m. "Cho dù chỉ là những mảnh rời rạc, nhưng đó là những mảnh cực lớn. Chúng tôi còn tìm thấy những mẩu xương ngón chân với đường kính ấn tượng".

Cho dù có kích cỡ như vậy, cấu trúc xương và mô của cánh thằn lằn bay chứng tỏ chúng đã bay rất điêu luyện. Lớp màng cánh của nó vô cùng mỏng - khoảng nửa mm. Đôi cánh có cấu tạo giống của dơi hơn là chim, cùng với kết cấu xương rỗng và cơ thể không to hơn mình người là mấy đã giúp giảm cân nặng.

Ngoài ra, đôi cánh của chúng được khoá ở đằng đuôi thay vì đỉnh của cơ thể, nên tạo ra một bề mặt lớn, lợi dụng được dòng không khí nóng bốc lên để chao liệng trên bầu trời.

Bộ phận cồng kềnh hơn trên cơ thể lại chính là cái cổ, dài tới 3 m, gắn với chiếc sọ dài 2 m. Mặc dù không được thuận tiện lắm cho việc bay, đặc điểm đó cho phép con vật săn mồi trên mặt biển mà không cần phải sà thấp xuống.

Martill nhận định một lý do cho việc chúng khổng lồ như vậy là bởi chúng cứ tiếp tục phát triển mà không dừng lại ở một kích cỡ nhất định khi trưởng thành.

  • 2.000