Thằn lằn mang thai khổ sở nhất thế giới

  •  
  • 968

Một loài thằn lằn ở Australia có thể là trường hợp mang bầu khổ sở nhất. Do hạn chế về cấu trúc cơ thể, con vật phải chứa cái thai nặng bằng 1/3 con trưởng thành, mà bụng chẳng lồi ra chút nào. Kỳ công này tương đương với một phụ nữ sinh em bé cỡ 7 tuổi!

"Tôi không nghĩ rằng có loài vật này mang cái thai lớn đến như vậy", Suzy Munns, một nhà nghiên cứu tại Đại học James Cook, cho biết. Munns đang tìm hiểu bằng cách nào những con thằn lằn bè bè này - có thể gần 40 cm - sống sót qua thời kỳ mang thai khó khăn đến vậy.

Là thành viên lớn nhất trong họ thằn lằn bóng chân ngắn, loài thằn lằn bè chỉ sinh mỗi con một lần, trung bình nặng bằng 35% trọng lượng cơ thể mẹ. Cái thai nằm đè phía trên phổi và hệ tiêu hoá của mẹ đến mức, trong thời kỳ thai nghén cuối cùng, con mẹ không thể di chuyển hoặc ăn được nhiều.

Trong khi đó, bụng của con mẹ lại không thể nở ra do lớp vẩy rắn chắc bao phủ hầu hết cơ thể nó.

Ảnh chụp X quang cho thấy phổi của thằn lằn mẹ bị nén ép lại, thậm chí bị bẹp ở một vài chỗ, do sức ép của cái thai. Con mẹ cũng không thể thở sâu được, và đây là lý do khiến nó thường bất động. Về cuối thai kỳ, thằn lằn mẹ lê mình chậm chạp giữa chỗ có bóng tối và ánh sáng, song rất khó thoát khỏi kẻ thù.

Một loài thằn lằn ở Australia có thể là trường hợp mang bầu khổ sở nhất. Do hạn chế về cấu trúc cơ thể, con vật phải chứa cái thai nặng bằng 1/3 con trưởng thành, mà bụng chẳng lồi ra chút nào.
(Ảnh: Trường ĐH James Cook )

Munns cho biết động vật sử dụng rất nhiều chiến lược trong quá trình sinh sản. Một số đẻ rất nhiều trứng hoặc con, và đa phần chết trước khi trưởng thành. Những con khác, giống như thằn lằn bè, sinh ít con song các con đều to lớn.

"Thằn lằn bè chính là trường hợp 'thả tất cả trứng vào một rổ' - đầu tư cho đứa con rất nhiều, song cơ hội sống sót của con non cũng rất lớn, do kích thước và sự độc lập của nó lúc chào đời", Munns nói.

T. An

Theo Discovery, Vnexpress
  • 968