Thằn lằn thay đổi thói quen ăn uống khi khí hậu tăng 2 độ C

  •  
  • 663

Thằn lằn thường sống bằng chế độ ăn côn trùng, bao gồm cả côn trùng ăn thực vật như dế, cũng như côn trùng ăn thịt như nhện và bọ cánh cứng. Theo một công bố ngày 30/10, nhiệt độ chỉ ấm lên 2 độ C, thằn lằn đã thay đổi thói quen ăn uống, chuyến sang ăn nhiều côn trùng săn mồi.

Thằn lằn đổi thói quen, ăn nhiều côn trùng săn mồi khi nhiệt độ tăng lên.
Thằn lằn đổi thói quen, ăn nhiều côn trùng săn mồi khi nhiệt độ tăng lên.

Trưởng nhóm nghiên cứu Elvire Bestion nói với AFP rằng cô rất ngạc nhiên với kết quả nghiên cứu này. "Sự thay đổi chế độ ăn uống có liên quan đến sự sống sót thấp hơn của thằn lằn trưởng thành, tuy nhiên thật khó để nói chính xác tại sao là như vậy", cô viết trong một email.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra khi nhiệt độ nóng hơn, có rất ít côn trùng săn mồi bò xung quanh, nhưng thằn lằn vẫn thay đổi thói quen thích chúng hơn các loài côn trùng ăn thực vật.

Cô Bestion cho rằng: "Một trong những giả thuyết của chúng tôi là ở vùng khí hậu ấm hơn, thằn lằn cần con mồi bổ dưỡng hơn để đáp ứng nhu cầu của chúng và chuyển chế độ ăn sang chế độ ăn nhiều động vật không xương sống ăn thịt".

Điều này làm tăng sự cạnh tranh giữa các loài thằn lằn đối với thực phẩm ưa thích.

Sự thay đổi thói quen ăn uống của thằn lằn có thể phá vỡ chuỗi thức ăn khi nhiệt độ nóng lên.
Sự thay đổi thói quen ăn uống của thằn lằn có thể phá vỡ chuỗi thức ăn khi nhiệt độ nóng lên.

Một phát hiện đáng chú ý khác là khi chế độ ăn của thằn lằn thay đổi, hệ vi khuẩn đường ruột của chúng trở nên ít đa dạng hơn, có thể dẫn đến tỷ lệ sống của thằn lằn thấp hơn.

"Hệ vi sinh vật đường ruột được liên kết với rất nhiều chức năng quan trọng, bao gồm tiêu hóa hoặc miễn dịch", Bestion nói.

Điều quan trọng, nghiên cứu, được công bố trong Kỷ yếu của Hiệp hội Hoàng gia B (Proceedings of the Royal Society B) cũng cho thấy rằng sự thay đổi chế độ ăn của bò sát sang côn trùng ăn thịt có thể phá vỡ thói quen ăn uống trong chuỗi thức ăn.

Nhà khoa học Bestion nói: "Chúng tôi thấy các cơ chế tác động của biến đổi khí hậu phức tạp hơn chỉ là tác động của nhiệt độ lên một con vật".

Giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C là nỗ lực được nhắm đến trong Thỏa thuận chung Paris tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2015.

Cập nhật: 12/11/2019 Theo Nhân Dân
  • 663