Thang máy rơi tự do, nếu nhảy lên thì có sống được không?

  •   55
  • 6.499

"Đi thang máy coi chừng bị đứt cáp, bị kẹt...". Với lo lắng này, không ít người "tẩy chay" thang máy, hoặc mắc hội chứng sợ thang máy. Thực tế thì sao?

Tưởng tượng nhé: bạn đi thang máy, nhưng thang bỗng khựng lại, rồi bằng cách nào đó cáp treo bị đứt và rơi tự do xuống.

Đây là cảnh hết sức quen thuộc trong mấy bộ phim hành động và kinh dị của Hollywood. Nhưng hỏi ngắn gọn này: liệu bạn có thể sống sót nếu nhảy lên vào đúng thời điểm thang chạm đất?

Khả năng sống sót của bạn tùy theo độ cao của thang.
Khả năng sống sót của bạn tùy theo độ cao của thang.

Làm một chút toán học là hiểu ngay. Trước lúc chạm đất, thang đang rơi với vận tốc x, còn bạn nhảy lên với vận tốc y và phương ngược chiều. Bạn nhảy lên và lại phải rơi xuống nên vận tốc khi chạm đất của bạn sẽ là "x - y".

Ở đây, "y" không phải là một biến số quá dao động, vì tốc độ nhảy của một người là có giới hạn. Nhưng "x" thì khác, nó phụ thuộc vào độ cao thang bắt đầu rơi, và đó cũng là yếu tố quyết định xem cú nhảy của bạn có hiệu quả gì hay không.

Sống chết phụ thuộc vào độ cao!

Một cách lạc quan, cứ cho là bạn có cú nhảy của một vận động viên NBA (giải bóng rổ nhà nghề Mỹ), nghĩa là bạn nhảy cao khoảng 70cm. Vậy thì dưới đây là khả năng sống sót của bạn tùy theo độ cao của thang.

  • 3m (nhà 2 tầng): Nhảy đúng thời điểm, bạn sẽ tiếp đất giống như ngã xuống từ độ cao 80cm, và chẳng có gì nguy hiểm. Vấn đề là bạn chỉ có khoảng 0,8s để hành động thôi.
  • 9m (nhà 4 tầng): Rơi tự do từ 9m thì tỷ lệ lớn là bạn sẽ chết. Nhưng nếu nhảy đúng thời điểm, tốc độ tiếp đất của bạn chỉ như một cú ngã từ cự ly 4,7m, và bạn đã chuyển trạng thái từ "có thể chết" thành "bị thương". Có thể gãy một vài cái xương, nhưng vẫn là sống, và chỉ có 1,2s để hành động thôi.
  • 15m (nhà 6 tầng): Nhảy đúng lúc, nó sẽ tương đương một cú ngã từ độ cao 9m. Khả năng lớn là bạn sẽ chết, nhưng trạng thái cũng chuyển từ "chắc chắn chết" thành "có thể chết". Và thời gian để bạn hành động là 1,7s.
  • 21m (nhà 8 tầng): Tốc độ tiếp đất của bạn cũng tương đương với một cú rơi tự do từ khoảng 14m. Dù nhảy hay không gần như chắc chắn bạn sẽ chết, và bạn chỉ có khoảng 2s để chuẩn bị thôi.

Có nên nhảy hay không?

Việc nhảy được lên là rất khó, vì lực hấp dẫn có xu hướng kéo mặt sàn xa khỏi bạn.
Việc nhảy được lên là rất khó, vì lực hấp dẫn có xu hướng kéo mặt sàn xa khỏi bạn.

Trên lý thuyết, một cú nhảy đúng thời điểm khi thang máy rơi quả thực gia tăng được khả năng sống sót. Tuy nhiên trong thực tế, để làm được thì cực kỳ khó khăn.

Chậm 1s, bạn chạm đất; sớm 1s, bạn có thể cắm đầu vào trần thang máy, hoặc tốc độ nhảy bị giảm đi rất nhiều và khiến cú nhảy kém hiệu quả. Thậm chí ngay việc nhảy được lên cũng đã là rất khó, vì lực hấp dẫn có xu hướng kéo mặt sàn xa khỏi bạn. Nếu muốn nhảy, bạn phải bám vào thanh tựa để giữ chân bám được vào mặt sàn.

Nhưng vậy thì có nên nhảy hay không? Việc này thực chất vẫn còn gây tranh luận khá nhiều ngay cả với giới khoa học.

Một số ý kiến cho rằng khi thang máy rơi thì hãy nằm ra mặt sàn để phân tán lực rộng hơn, trải ra toàn bộ cơ thể. Tuy nhiên số khác lại phản bác, cho rằng điều đó cũng đồng nghĩa bạn đang chừa chỗ cho lực tác động đến não. Mà nếu như vậy, thà chấp nhận rủi ro nhảy lên để đôi chân chịu lực còn hơn.

Điều gì xảy ra nếu cáp thang máy bị đứt?

Trên thực tế, thang máy là một trong những phương tiện vận chuyển an toàn. Lý do là chúng dựa vào các dây cáp thép, thường là từ bốn đến tám dây.

Do đó, nếu một dây đứt, những dây khác vẫn có thể giữ thang máy. Các dây cáp này được thiết kế để chịu được trọng lượng của thang chở đầy người. Vì vậy nguy cơ đứt cáp do chở nặng là rất khó xảy ra.

Ngay cả khi nhiều dây cáp bị đứt trong một sự cố kỳ lạ, thang máy vẫn được trang bị các lớp phòng ngừa bổ sung để có thể bảo vệ hành khách.

Vào thế kỷ 19, Elisha Otis, một nhà công nghiệp người Mỹ, đã phát triển một thiết bị an toàn để ngăn thang máy rơi xuống nếu cáp cẩu bị hỏng. Nếu bị cắt điện, phanh nhả điện tử có thể hoạt động.

Giảm xóc thủy lực thường được đặt ở trên cùng và dưới cùng của trục để giúp quá trình lên hoặc xuống này nhẹ nhàng hơn một chút.

Nhiều lớp an toàn như vậy, vì sao vẫn có tai nạn? Theo ghi nhận, hầu hết các vụ tai nạn là kết quả của lỗi của con người, chứ không phải là lỗi cơ học thuần túy của thang máy.

Đối với sự cố năm 2018 ở Chicago, rõ ràng là nhiều biện pháp phòng ngừa an toàn đã được áp dụng. Đó là lý do tại sao sáu người trong toa thang máy rơi xuống 84 tầng mà không ai bị thương nặng.

Đừng quá lo lắng

Các vụ tai nạn thang máy rơi tự do giờ là rất hiếm. Đơn giản là vì các loại thang hiện đại có rất nhiều phương án dự phòng, như trang bị nhiều cáp hơn, hoặc sử dụng phanh điện từ. Nói chung, khả năng phải tự mình đóng phim hành động là rất thấp, nên yên tâm đi.

Cập nhật: 26/08/2024 Theo helino/Tuổi Trẻ
  • 55
  • 6.499