Thủy quyển - Chiếc nôi của sự sống

  •   3,84
  • 8.971

Diện tích biển chiếm 71% bề mặt Trái đất. Nếu lấy nước biển phủ đều trên mặt đất, mặt đất sẽ có một lớp thủy quyển dày 2.700m.

Nhưng khoảng 4-5 tỷ năm về trước, khi Trái đất vừa mới ra đời, bề mặt của nó không hề có giọt nước nào, không có cả một sự sống. Về sau Trái đất nguội dần đi, hơi nước trong khí quyển mới đọng lại thành nước, mưa xuống chảy vào chỗ trũng, lâu ngày tích lại, dần trở thành hồ và biển nguyên thủy. Những chất sống đầu tiên nảy mầm trong biển, đó là hồ nguyên thủy.

Thủy quyển của Trái đất nằm giữa khí quyển và địa quyển. Nó gồm có biển, hồ, sông, đầm, nước ngầm, lạch suối (dưới dạng chất lỏng) và băng hà (dưới dạng chất rắn). Theo ước tính của các nhà khoa học, tổng lượng nước trên bề mặt Trái đất vào khoảng 1,4 tỷ km3, trong đó biển chiếm 97,3% nước dưới dạng băng hà ở trên mặt đất chiếm 2,7%. Nước trong khí quyển so với 2 loại trên quá nhỏ không đáng kể.

Sự vận động tuần hoàn của Thủy quyển
Sự vận động tuần hoàn của Thủy quyển (Ảnh: cmmacs)

Dưới ánh nắng Mặt trời, thủy quyển của Trái đất không ngừng vận động tuần hoàn. Nước ở trên mặt đất bốc hơi thành hơi nước trong khí quyển, hơi nước trong khí quyển với một điều kiện thích hợp nào đó ngưng đọng lại thành nước mưa rơi xuống mặt đất và biển. Nước trên mặt đất hội tụ lại thành suối, thành sông chảy ra hồ, ra biển hoặc thấm xuống đất, qua các khe nứt của các nham thạch trở thành nước ngầm, hoặc trực tiếp bốc hơi trở lại khí quyển. Trong quá trình tuần hoàn nước, khí quyển là công cụ vận chuyển chủ yếu của nước. Nhờ có tuần hoàn nước trên Trái đất với quy mô lớn, không ngừng không nghỉ nên mới làm cho mặt đất biến đổi thường xuyên, vạn vật sinh sôi nảy nở.

H.T (Theo Bách khoa tri thức)
  • 3,84
  • 8.971