Tìm hiểu bí ẩn lục địa thứ 7 biến mất 75 triệu năm trước

  •  
  • 3.314

Một nhóm nhà khoa học bắt đầu hành trình 2 tháng tìm hiểu mảng lục địa khổng lồ từng nối liền Australia và New Zealand cách đây 75 triệu năm.

Telegraph cho hay nhóm nghiên cứu Đại học Quốc gia Australia hôm nay đã lên đường tìm hiểu về lịch sử và cấu trục của lục địa mới phát hiện có tên Zealandia ở khu vực phía đông Australia, bao gồm lãnh thổ New Zealand và New Caledonia.

Zealandia có diện tích khoảng 5 triệu km2, là lục địa thứ 7 trên Trái Đất. Đây đồng thời là lục địa nhỏ nhất, trẻ nhất, mỏng nhất và ngập trong nước nhiều nhất (với 94% diện tích lục địa nằm dưới mực nước biển).

Giáo sư Sutherland, Đại học Victoria, Wellington cho hay một chiếc tàu khoan sẽ thu thập trầm tích sâu khoảng 300-790m để tìm hiểu về sự biến đổi của Zealandia trong hàng chục triệu năm qua.

Nhóm nghiên cứu hy vọng chuyến đi của họ sẽ cung cấp thêm hiểu biết về vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực hay xảy ra động đất và hiện tượng phun trào núi lửa cũng như đứt gãy sau khi lục địa Zealandia phân tách.

Zealandia là lục địa mới được khám phá trên Trái Đất.
Zealandia là lục địa mới được khám phá trên Trái Đất. (Ảnh: GSA Today).

Giáo sư Neville Exon, Đại học Quốc gia Australia, cho hay chuyến thám hiểm cũng sẽ làm sáng tỏ những thay đổi chính trong hoạt động kiến tạo mảng toàn cầu, bắt đầu cùng lúc vành đai lửa Thái Bình Dương hình thành cách đây 53 triệu năm, khi đó lục địa Zealandia được cho là đã ngừng trôi dạt.

Kết quả nghiên cứu cũng sẽ giúp các nhà khoc học hiểu rõ hơn các vấn đề về khí hậu, lịch sử hải dương học, các miền khí hậu khắc nghiệt, đời sống dưới đáy biển, kiến tạo địa tầng và các vùng phát sinh động đất, sự vận động của các cung đảo và các rãnh đại dương.

Cuộc hành trình sẽ kéo dài từ ngày 28/7 đến cuối tháng 9. Các thông tin nghiên cứu sơ bộ sẽ được công bố khi tàu khoan cập cảng Hobart.

Zealandia, bao gồm đảo Lord Howe Rise ngày nay, từng là một phần của Australia cách đây 75 triệu năm. Sau đó phần lục địa này bắt đầu phân tách và dịch chuyển dần về phía đông bắc. Sự dịch chuyển này ngừng lại cách đây 53 triệu năm.

Zealandia hội tụ đủ 4 đặc điểm của một lục địa: có độ cao và độ đặc lớn hơn so với lớp vỏ đại dương, có sự hiện diện của 3 loại đá (đá núi lửa, đá biến chất và trầm tích), có diện tích đủ lớn.

Khái niệm "Zealandia" được các nhà khoa học đề cập vào năm 1995. Họ đã nghiên cứu trong suốt thập kỷ qua nhằm khẳng định nó bao gồm một lớp vỏ địa chất đủ lớn để được gọi là một lục địa.

Trái Đất thường được cho là có 6 lục địa, gồm Phi, Á - Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Nam Cực, Úc. Con số thống kê có thể thay đổi tùy theo những cách sắp xếp và quan niệm khác nhau.

Cập nhật: 29/07/2017 Theo Zing
  • 3.314