Tìm thấy hóa thạch 500 triệu năm họ hàng ốc sên

  •  
  • 2.123

Các hóa thạch của một loài sinh vật trông giống ốc sên, sống ở đáy biển cách đây 500 triệu năm, đã hé lộ ánh sáng về nguồn gốc của loài ốc sên, động vật có vỏ và các loài mực hiện đại.

Các phân tích toàn diện nhất cho tới nay về các phần miệng của hóa thạch cho thấy chúng có mối liên hệ với các động vật thân mềm hiện đại, các nhà khoa học viết trên tuần báo Proceedings of the Royal Society B.

Được gọi là Wiwaxia Odontogriphus, vị trí của các hóa thạch này nằm trong nấc thang tiến hóa đã được tranh cãi trong nhiều năm. Người ta tranh luận về việc có phải chúng là động vật thân mềm sống ở thời kỳ đầu, họ hàng xa của loài sâu đất hay là một giống sinh vật lạ đã tuyệt diệt.

Sử dụng công nghệ kính hiển vi mới, Martin Smith, một nghiên cứu sinh tại Khoa Sinh học Tiến hóa thuộc Đại học Toronto đã phát hiện rằng loài sinh vật này có cơ chế ăn uống giống các động vật thân mềm hiện đại.

Ốc sên hiện đại
Ốc sên hiện đại

"Các phần miệng của chúng có điểm tương đồng với loài hải răng kitin, với bộ máy thu lượm thức ăn hoạt động kiểu băng chuyền rất giống với hầu hết động vật thân mềm hiện đại" - ông nói - "Dựa vào đánh giá hệ thống "răng", tôi tin chúng đại diện cho động vật thân mềm hiện đại".

Nhóm động vật thân mềm, gồm bạch tuộc các loại, các con trai, sò... là nhóm độc vật lớn thứ hai. Tuy nhiên người ta biết rất ít về thời kỳ đầu trong quá trình tiến hóa của chúng. Odontogriphus đã từng là một loài sên không vỏ có chiều dài tới 15cm trong khi Wiwaxia dài từ 1mm tới 5cmm có ngạnh và vảy.

Các sinh vật không xương sống này được tìm thấy ở tỉnh British Columbia, Canada với hóa thạch của chúng được xác định niên đại khoảng 505 triệu năm. Để nghiên cứu các hóa thạch, Smith đã sử dụng kính hiển vi điện tử, với độ phân giải tốt hơn 1.000 lần kính hiển vi dùng ánh sáng hiện tại, để xem xét chi tiết vùng miệng của hóa thạch.

Chỉ tới gần đây, người ta mới có thể chế ra loại kính hiển vi cho phép xem xét các hóa thạch lớn mà không gây hư hại tới chúng.

Các nhà khoa học kết luận rằng Wiwaxia và Odontogriphus có 2-3 hàng răng từ 17-33 chiếc cùng cỡ, với một răng trung tâm khá cân đối và nhiều răng nhỏ hơn nằm bên rìa. Các răng này có thể chuyển động quanh một chiếc lưỡi theo cách thức hoạt động của những động vật thân mềm ăn thịt hiện nay. Nó sẽ giúp thu lấy tảo biển và các chất thải hữu cơ từ đáy biển.

"Tôi thấy chẳng còn lý do gì để ghi ngờ chúng không phải động vật thân mềm nữa" - Smith nói.

Hiện vẫn chưa rõ liệu các hóa thạch này có phải là thủy tổ trực tiếp của các động vật thân mềm hiện đại hay không. Có khả năng có vài sinh vật với hình dáng tương tự sống cùng Wiwaxia và Odontogriphus. Nhưng do các loài này không thể giao phối với nhau nên chỉ có một loài trong số đó phát triển thành loài ốc sên hiện đại.

"Rất có thể Odontogriphus hoặc Wiwaxia là thủy tổ của ốc sên. Nhưng nhiều khả năng chúng chỉ là các họ hàng khá gần, một nhánh tách ra từ dòng giống đã tạo ra tất cả các động vật thân mềm hiện đại" - Smith nói.

Theo Vietnam+
  • 2.123