Top 5 địa điểm đẹp như tiên cảnh ở Trung Quốc nhưng lại "bất khả xâm phạm" với khách quốc tế

  •  
  • 2.761

Một số địa điểm ở Trung Quốc nằm ngoài tầm với của người nước ngoài, chỉ mở cửa cho dân bản xứ.

Trung Quốc sở hữu nền văn hóa hàng nghìn năm, làm say mê biết bao du khách nước ngoài. Hơn nữa, đất nước tỷ dân này còn có những khu thắng cảnh với nét đẹp rung động lòng người, đậm dấu ấn văn hóa, hòa hợp với thiên nhiên. Ví dụ như Cửu Trại Câu, Vạn Lý Trường Thành cùng hàng loạt cổ trấn nổi tiếng.

Mặc dù ngành du lịch của Trung Quốc ngày càng cởi mở hơn, khách quốc tế có thể đến tham quan nhiều danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, có một số địa điểm ở Trung Quốc vẫn nằm ngoài tầm với của người nước ngoài, chỉ mở cửa cho dân bản xứ.

Dưới đây là 5 địa điểm mà Trung Quốc không muốn “chia sẻ” cho quốc tế, liệu chúng chứa đựng nhiều điều bí ẩn chăng?

1. Nam Y Câu

Nam Y Câu được mệnh danh là "Tiểu Giang Nam" trên cao nguyên, nơi bạn có thể cảm nhận được vẻ đẹp của "thế giới màu xanh ở nơi cao nhất trên Trái đất".


Đây chính là nơi sinh ra nhiều thi nhân và tài tử nhất Trung Quốc.

Bạn cũng biết miền Giang Nam của Trung Quốc rồi đấy! Khu vực này sở hữu những cổ trấn tuyệt đẹp, vừa cổ kính vừa nên thơ. Len lỏi vào các cổ trấn là những dòng sông êm đềm, trữ tình. Đây chính là nơi sinh ra nhiều thi nhân và tài tử nhất Trung Quốc.

Nam Y Câu được ví như một Giang Nam thu nhỏ nên cảnh sắc nơi đây chắc chắn không thể tầm thường.

Nam Y Câu tọa lạc trên độ cao trung bình 2.500 mét, là một trong vô số thung lũng đẹp trên dãy Himalaya, còn được gọi là Tây Tạng Dược Vương.

Tương truyền rằng ông tổ của y học Tây Tạng, Vũ Thỏa Vân Đan Hiến Bố (Yutog Yontan Gonpo), từng ở đây hành y và dạy học, là khởi nguyên của văn hóa y học Tây Tạng thần bí.

Nam Y Câu sở hữu một cánh rừng nguyên sinh được bảo tồn hoàn chỉnh nhất cho đến hiện tại, và cũng là nơi định cư của người Lhoba (một nhóm người pha trộn giữa các bộ lạc thuộc Nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến). Người Lhoba là dân tộc thiểu số cổ đại với dân số ít nhất Trung Quốc. Họ không có chữ viết riêng, chỉ có ngôn ngữ, sống giản dị và hạnh phúc với nghề nông là chính.

Vì nằm ở biên giới Trung - Ấn nên người nước ngoài bị cấm nhập cảnh, thậm chí việc tiếp cận nơi đây của người Trung Quốc cũng phải xem xét lại.

2. Núi Lão Quân

“Đi khắp nhân gian thưởng mỹ thực, ngoạn cảnh thiên hạ”.

Bình minh, hoàng hôn, biển mây, bầu trời đầy sao và cảnh tuyết trắng. Đây là bữa tiệc thị giác chỉ có ở núi Lão Quân.

Núi Lão Quân
Đây là ngọn núi có lịch sử lâu đời nhất trong Đạo giáo.

Tọa lạc lại thành phố Lạc Dương, trên núi Lão Quân thật sự tồn tại “Thiên cung trên mây” khiến người đời không khỏi trầm trồ. Thiên cung trên núi Lão Quân có lịch sử hơn 2.000 năm, là ngọn núi có lịch sử lâu đời nhất trong Đạo giáo.

Theo truyền thuyết, người sáng lập ra Đạo giáo là Lão Tử đã từng tu hành ở đây. Cưỡi Thanh ngưu (trâu xanh), vượt Hàm quan, Lão Tử đắc đạo trên núi Lão Quân, Đạo đức kinh văn tự 5000 từ.

Núi Lão Quân trước đây miễn phí vé vào cổng những người có họ Trương và Lý. Vì Lão Tử và các đệ tử thân tín của ông đã tu hành ở đây nên đã thực hiện chính sách miễn phí cho con cháu của hai họ này. Nhưng đến nay, chính sách này đã không còn hiệu lực.

Đỉnh Ngọc Hoàng trên núi Lão Quân được du khách gọi là “Thiên cung trên mây”, cao 2217m.

Du khách đến núi Lão Quân đều hết lời khen ngợi, cho rằng đây là chốn bồng lai tiên cảnh, nếu may mắn còn được chiêm ngưỡng Phật quang (hiện tượng mặt trời mọc chiếu tia sáng đầu tiên vào tượng Phật trong đỉnh Ngọc Hoàng).

Vậy tại sao người nước ngoài lại bị cấm ở đây?

Trên thực tế, nguyên nhân chính là do núi Lão Quân nằm ở huyện Luân Xuyên, nơi có căn cứ quân sự nên người nước ngoài bị cấm vào.

3. Hẻm núi lớn Đại Độ Hà

Hẻm núi Đại Độ Hà
Tổng chiều dài của hẻm núi là 26km và độ sâu lên tới 2.600m.

Hẻm núi Đại Độ Hà (hay còn gọi là Kim Khẩu) là “vết sẹo” đẹp nhất trên đất liền của Trung Quốc, là 1 trong 10 hẻm núi đẹp nhất do "Địa lý quốc gia Trung Quốc" bình chọn.

Nơi đây tọa lạc tại quận Kim Khẩu Hà thuộc thành phố Lạc Sơn (Tứ Xuyên, Trung Quốc). Tổng chiều dài của hẻm núi là 26km và độ sâu lên tới 2.600m.

Những đỉnh núi kỳ lạ nhô ra hai bên hẻm núi, nhấp nhô trập trùng, liên tục xuyên suốt chiều dài Đại Độ Hà.

Ngày nay, hẻm núi lớn Đại Độ Hà là điểm du lịch cấp 4A của Trung Quốc, đón vô số khách du lịch mỗi năm. Song, điểm tham quan này chỉ mở cửa cho người bản xứ và hoàn toàn miễn phí.

Trên một đoạn đường trước khi vào khu thắng cảnh có dựng một tấm biển lớn ghi cấm người nước ngoài. Bởi lẽ nơi đây từng là căn cứ quân sự quan trọng của Trung Quốc, nên người nước ngoài không được phép tiến vào.

4. Sắc Đạt

Sắc Đạt

Các ngôi chùa Phật giáo Tây Tạng tập trung tương đối nhiều ở đây.
Các ngôi chùa Phật giáo Tây Tạng tập trung tương đối nhiều ở đây.

Huyện Sắc Đạt nằm ở phía Tây Bắc của Châu tự trị dân tộc Tạng Cam Tư (Tứ Xuyên), ở phía đông nam của cao nguyên Thanh Tạng. Đây là khu vực cư trú của dân tộc Tạng ở Cam Tư, nơi tọa lạc độ cao lớn nhất so với mực nước biển, khí hậu lạnh nhất và điều kiện tự nhiên tồi tệ nhất trong khu vực.

Cao nguyên có phong cảnh tuyệt đẹp. Các ngôi chùa Phật giáo Tây Tạng tập trung tương đối nhiều và đều là những ngôi chùa thuộc phái Hồng môn. Đứng ở trên cao, bạn có thể chiêm ngưỡng những ngôi nhà màu đỏ bất tận, như thể bước vào thế giới màu đỏ ảo mộng.

Nơi đây chính là nơi tụ tập người tu hành nhiều nhất Trung Quốc, đặc biệt là tăng nhân nữ giới.

Tuy nhiên, nơi đây không cho phép người nước ngoài bước vào vì vị trí địa lý đặc thù và văn hóa Phật giáo.

5. Thần Nông Giá

Thần Nông Giá
Đây là thiên đường của bảo vật quốc gia Trung Quốc.

Thần Nông Giá là huyện sinh thái (vừa là huyện cấp hành chính vừa là khu sinh thái) duy nhất tại Trung Quốc, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hồ Bắc.

Thần Nông Giá có một sức quyến rũ lạ thường. Vĩ độ 30° Bắc huyền diệu ẩn giấu "Con thuyền của Noah" phiên bản Trung Quốc, còn được gọi là "Nóc nhà của Trung Quốc".

Nơi đây có sông núi đan xen, đỉnh núi nhấp nhô nối tiếp nhau, rừng cây trải dài bạt ngàn, hồ nước rải rác, như thể tập trung hết 80% cảnh đẹp của Trung Quốc.

Đỉnh Thần Nông, núi Quan Môn, hồ Đại Cửu, Nông đàn, cầu Thiên Sinh... Dường như chỉ cần tùy ý lấy một cái tên thuộc Thần Nông Giá, cũng đều có mặt trong tạp chí Địa lý quốc gia Trung Quốc.

Đây là thiên đường của bảo vật quốc gia Trung Quốc - loài khỉ mũi hếch, cũng là quê hương của gấu trúc. Để bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm, Thần Nông Giá đã trở thành nơi khách quốc tế không bao giờ có thể đặt chân đến.

Cập nhật: 09/08/2024 PNVN
  • 2.761