Top 6 loài hổ quý hiếm nhất hành tinh

  •   4,52
  • 2.002

Hổ - chúa tể sơn lâm là loài vật biểu trưng cho sức mạnh. Số lượng hổ có trong tự nhiên liên tục sụt giảm trong những thập kỷ qua. Hiện tại số lượng hổ ngoài thiên nhiên chỉ chưa đầy 4.000 con.

Hổ là đại diện chủ lực của các vườn thú trên khắp thế giới và đã mê hoặc con người trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, bất chấp sự yêu mến, hổ là một trong những loài bị đe dọa nghiêm trọng nhất trên thế giới.

6 loài hổ quý hiếm nhất hành tinh sau đều có nguy cơ tuyệt chủng ở mức nguy hiểm hoặc cực kỳ nguy cấp.

Một loài hổ trong danh sách đỏ này thậm chí hiện được coi là đã tuyệt chủng trong tự nhiên, với một số ít cá thể bị nuôi nhốt.

Trong khi có rất nhiều yếu tố góp phần vào sự suy giảm quần thể hổ hoang dã trên thế giới, mối đe dọa lớn nhất mà loài hổ phải đối mặt là từ các hoạt động của con người, bao gồm săn bắn bất hợp pháp, môi trường sống bị thu hẹp và bị con người giết hại.

Hy vọng rằng việc nâng cao nhận thức về hoàn cảnh hiện tại của loài hổ có thể góp phần bảo tồn loài vật biểu trưng cho sức mạnh này.

1. Hổ Nam Trung Quốc

  • Số lượng dự kiến hiện tại: Về cơ bản đã tuyệt chủng trong tự nhiên, nhưng có khoảng 100 con hoặc nhiều hơn đang tồn tại trong điều kiện nuôi nhốt.
  • Nơi sinh sống: Đông Nam Trung Quốc - chủ yếu ở Rừng ẩm Hải Nam.
  • Tình trạng bảo tồn hiện tại: Cực kỳ nguy cấp.
  • Tên khoa học: Panthera tigris amoyensis.

Hổ Nam Trung Quốc
Hổ Nam Trung Quốc được xếp vào loại quý hiếm nhất thế giới vì về cơ bản đã tuyệt chủng trong tự nhiên. (nguồn ảnh: Wikimedia Commons)

Hổ Nam Trung Quốc đã được các nhà khoa học tuyên bố "về cơ bản đã tuyệt chủng" trong tự nhiên, điều này khiến nó trở thành loài hổ quý hiếm nhất trên thế giới. Trong khi Hổ Nam Trung Quốc đã không được nhìn thấy trong tự nhiên hơn 25 năm, có khoảng 100 con hổ đang bị nuôi nhốt và các chương trình nhân giống vẫn đang được tiến hành.

Trước đây người ta cho rằng số lượng nuôi nhốt của Hổ Nam Trung Quốc quá nhỏ và thiếu đa dạng di truyền, nhưng kể từ khi bắt đầu xuất bản sách hướng dẫn tập trung cách đây vài năm, có một số hy vọng rằng Hổ Nam Trung Quốc có thể được đưa trở lại hoang dã trong tương lai.

Vào đầu những năm 1950, người ta ước tính có khoảng 4.000 con hổ Nam Trung Quốc hoang dã, nhưng những con số đó đã giảm đáng kể trong vài thập kỷ. Hàng nghìn con hổ Nam Trung Quốc đã bị giết vì là "động vật gây hại" và nhiều hơn nữa chết vì môi trường sống bị suy thoái.

Hộp sọ của hổ Nam Trung Hoa khác với tất cả các loài hổ còn sống sót khác. Do đó, hổ Nam Trung Hoa được coi là loài hổ nguyên thủy mà từ đó tất cả các loài hổ hiện tại khác đều tiến hóa.

2. Hổ Mã Lai (Malayan)

  • Số lượng dự kiến hiện tại: 250 – 340.
  • Nơi sinh sống: Các phần phía nam và trung tâm của Bán đảo Mã Lai; mũi phía nam của Thái Lan.
  • Tình trạng bảo tồn hiện tại: Cực kỳ nguy cấp.
  • Tên khoa học: Panthera tigris jacksoni.

Hổ Mã Lai
Hổ Mã Lai. (nguồn ảnh: Wikimedia Commons).

Trước 2004, Hổ Mã Lai (Malayan) được xếp cùng loài với Hổ Đông Dương. Tuy nhiên, sau khi phân tích gen, người ta xác định rằng Hổ Mã Lai là phân loài của riêng nó và nó được đặt tên là Panthera tigris jacksoni, để vinh danh Peter Jackson, một nhà bảo tồn hổ nổi tiếng (không phải đạo diễn phim nổi tiếng).

Như tên gọi của nó, Hổ Mã Lai chủ yếu được tìm thấy ở phần phía nam và trung tâm của Bán đảo Malaysia. Ngoài ra còn có một số lượng nhỏ Hổ Mã Lai ở mũi phía nam của Thái Lan. Mối đe dọa lớn nhất đối với quần thể Hổ Mã Lai là do tình trạng phá rừng để khai thác gỗ quá mức và xây dựng đường xá khiến rừng bị thu hẹp.

Trong ngôn ngữ Mã Lai, Hổ Mã Lai được gọi là harimau, thường được rút ngắn thành rimau.

3. Hổ Đông Dương

  • Số lượng dự kiến hiện tại: khoảng 350 con
  • Nơi sinh sống: Myanmar; Thái Lan; Lào; Việt Nam; Campuchia; Tây nam Trung Quốc (có thể đã tuyệt chủng ở khu vực này).
  • Tình trạng bảo tồn hiện tại: Nguy hiểm.
  • Tên khoa học: Panthera tigris corbetti.

Hổ Đông Dương có nguồn gốc từ Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia và Tây Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng hổ Đông Dương có thể đã tuyệt chủng ở Trung Quốc do không có cá thể nào được nhìn thấy ở khu vực này trong những năm gần đây.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng có thể không còn bất kỳ cá thể Hổ Đông Dương thuần chủng nào còn sót lại ở Campuchia và Việt Nam.

Hổ Đông Dương
Hổ Đông Dương hiện còn lại khoảng 350 con. (nguồn ảnh: Wikimedia Commons).

Mặc dù tất cả các loài hổ đều khá bí ẩn, nhưng với hổ Đông Dương thì chúng sống đơn độc và rất khó nắm bắt, vì vậy ít người biết về hành vi của loài vật này trong tự nhiên. Trong số tất cả các phân loài hổ còn lại, Hổ Đông Dương là loài ít có đại diện nhất trong quần thể bị nuôi nhốt. Kể từ khi Hổ Malayan được tách ra thành một phân loài của riêng nó vào năm 2004, số lượng hổ Đông Dương trong các vườn thú trên khắp thế giới được cho là ít hơn trước.

Tên khoa học của Hổ Đông Dương, Panthera tigris corbetti, bày tỏ lòng kính trọng đối với Jim Corbett, một thợ săn người Anh đã hạ gục hổ và báo ăn thịt người ở Ấn Độ, nhưng sau đó trở thành một nhà bảo tồn.

4. Hổ Sumatra

  • Số lượng dự kiến hiện tại: 400 – 600.
  • Nơi sinh sống: Sumatra, Indonesia (Quần đảo Sunda).
  • Tình trạng bảo tồn hiện tại: Cực kỳ nguy cấp.
  • Tên khoa học: Panthera tigris sumatrae hoặc Panthera tigris sondaica.

Hổ Sumatra
Hổ Sumatra được xếp dạng cực kỳ nguy cấp. (nguồn ảnh: Wikimedia Commons).

Hổ Sumatra là siêu loài hổ cuối cùng còn sót lại ở quần đảo Sundra của Indonesia, nơi từng là quê hương của Hổ Bali và Java - Hổ Bali đã tuyệt chủng vào những năm 1950, trong khi Hổ Java được nhìn thấy lần cuối vào những năm 1980.

Các nguồn thông tin cho dữ liệu khác nhau, nhưng người ta ước tính rằng có khoảng 400 đến 600 con hổ Sumatra còn lại trong tự nhiên.

Phân tích DNA cho thấy Hổ Sumatra trở nên biệt lập với các quần thể hổ khác sau khi mực nước biển dâng cao xảy ra từ 12.000 đến 6.000 năm trước. Do đó, Hổ Sumatra đã tiến hóa khác biệt và không gặp vấn đề gì khi sống trên hòn đảo quê hương của chúng.

Quần thể Hổ Sumatra đang suy giảm chủ yếu do hoạt động của con người như mở rộng các đồn điền trồng dầu cọ.

Hổ Sumatra là phân loài hổ nhỏ nhất, và cũng có bộ lông sẫm màu nhất (màu cam sẫm) và mật độ vằn cao nhất so với các loài hổ khác.

5. Hổ Siberia

  • Số lượng dự kiến hiện tại: 500 – 600.
  • Nơi sinh sống: Viễn Đông Nga; Đông Bắc Trung Quốc; và có thể là Bắc Triều Tiên.
  • Tình trạng bảo tồn hiện tại: Nguy hiểm.
  • Tên khoa học: Panthera tigris altaica.

Hổ Siberia hay hổ Amur chủ yếu được tìm thấy trong các khu rừng rậm ở Viễn Đông của Nga, nhưng cũng sống ở các vùng Đông Bắc Trung Quốc và có thể cả Bắc Triều Tiên. Trong quá khứ, phạm vi sinh sống của Hổ Siberia lớn hơn nhiều và có thể được tìm thấy trên khắp Bán đảo Triều Tiên, miền bắc Trung Quốc và Mông Cổ và thêm vào đó là vùng Viễn Đông của Nga.

Hổ Siberia
Hổ Siberia sống ở xứ lạnh như vùng Viễn Đông, Trung Quốc, Mông Cổ. (nguồn ảnh: Wikimedia Commons).

Thật không may, việc săn bắn quá mức gần như đã khiến quần thể Hổ Siberia hoang dã bị tàn phá và số lượng của nó đã biến động trong những năm qua. Sau khi Nga trở thành quốc gia đầu tiên cấp quyền bảo vệ hoàn toàn cho phân loài hổ Siberia, quần thể của loài hổ này đã ổn định ở mức hơn 500 con nhưng chỉ còn dưới 600 con.

Trong điều kiện nuôi nhốt, hổ Siberia là loài lớn nhất trong số các phân loài hổ còn lại, lớn tới 300 kg và dài 3,28 mét. Tuy nhiên, trong tự nhiên, hổ Siberia sẽ có kích cỡ lớn hơn.

6. Hổ Bengal

  • Số lượng dự kiến hiện tại: 2.603 – 3.346 con.
  • Nơi sinh sống: Tiểu lục địa Ấn Độ (Bangladesh, Nepal và Bhutan).
  • Tình trạng bảo tồn hiện tại: Nguy hiểm.
  • Tên khoa học: Panthera tigris tigris.

Hổ Bengal
Hổ Bengal sống ở Nam Á. (Nguồn: Wikimedia Commons).

Là phân loài hổ có số lượng cao nhất, hổ Bengal có mặt tại các vườn thú và công viên động vật hoang dã trên khắp thế giới, và thậm chí cả các buổi biểu diễn trực tiếp ở Las Vegas.

Mặc dù số lượng nhiều hơn 5 loài hổ quý hiếm trên cộng lại, Hổ Bengal vẫn là loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng xếp ở mức nguy hiểm. Giống như tất cả các loài hổ khác, quần thể Hổ Bengal đang suy giảm, chủ yếu phải đối mặt với các mối đe dọa từ con người, đặc biệt là nạn săn bắt bất hợp pháp.

Lý do cho số lượng cao (so với các phân loài hổ khác) của Hổ Bengal là do nhiều con được nuôi nhốt từ năm 1880 và được lai tạo rộng rãi với các phân loài hổ khác.

Trên đây là 6 loài hổ được liệt vào danh sách đỏ cần được bảo tồn trên toàn thế giới. Hy vọng nhân dịp năm mới Nhâm Dần 2022 đọc giả có thể chọn ra cho bản thân loài hổ ưa thích nhất.

Cập nhật: 02/02/2022 Theo SKĐS
  • 4,52
  • 2.002