TP HCM đã có bản đồ động đất

  •  
  • 2.282

Sau bốn năm nghiên cứu, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam đã lập xong bản đồ nguồn phát sinh động đất và sức ảnh hưởng tới TP HCM... Theo dự đoán, TP HCM ít có nguy cơ động đất, nhưng nếu động đất xảy ra, mức độ thiệt hại sẽ rất cao.

Đề tài “Phân vùng nhỏ động đất TP HCM” do tập thể Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam (LĐ BĐĐCMN) thực hiện trong vòng bốn năm (2006 – 2010), do Ths Cát Nguyên Hùng, Trưởng Liên đoàn, làm chủ nhiệm đề tài.

Ít nguy cơ động đất

Trước khi bản đồ này được xác lập, lịch sử đã từng ghi nhận các dư chấn, động đất xảy ra ở khu vực Đông Nam Bộ. Theo tài liệu của Viện vật lý Địa cầu, vào lúc 22h18 ngày 8/8/1964, cách cửa biển Cần Giờ khoảng 40 km đã xảy ra một trận động đất 4,8 độ Ritchter, ở độ sâu chấn tiêu 15 km. Đây được xem là trận động đất gần nhất được ghi nhận xảy ra ở khu vực TP HCM.

Tiếp đó, lúc 7h19 ngày 26/10/1964 cũng đã xảy ra một trận động đất có cường độ 2,7 độ Ritchter ở độ sâu 15 km, tại khu vực Lộc Ninh – Bình Long (Bình Phước). Gần đây nhất, ngày 26/8/2002, trận động đất với cường độ là 3,9 độ Richter đã xảy ra và gây nên chấn động mạnh cấp 5 tại phường 10, Thành phố Vũng Tàu và Long Hải.

Qua các đợt động đất này, nhiều nhà khoa học đã chỉ ra chu kỳ hoạt động động đất ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ là khoảng 40 năm. Trong đó, TP HCM được xác định là khu vực ít bị ảnh hưởng nhất trong vùng Đông Nam Bộ.

Các đứt gãy trong lòng đất ở Tây Biển Đông, Cửu Long – Côn Sơn, Thuận Hải – Minh Hải, sông Hậu... từng gắn liền với hoạt động của núi lửa, vùng nguồn phát sinh động đất. Tuy nhiên, trong công trình nghiên cứu này, các nhà khoa học tại LĐ BĐĐCMN đã chỉ ra rằng vùng đứt gãy có thể xảy ra động đất ở gần TP HCM nhất là sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông. Tuy nhiên, đứt gãy này rất khó xảy ra động đất. 

Bản đồ kết cấu địa chất nền. Vùng đậm ảnh hưởng của động dất sẽ ít hơn, vùng nhạt ảnh hưởng năng hơn.


Trong trường hợp xảy ra động đất, các nhà khoa học dự báo cường độ động đất xảy ra mạnh nhất sẽ không vượt qua 5,5 độ Ritchter và độ sâu tiêu chấn không vượt qua 17 km. Đặc biệt, các nhà khoa học sau khi thực hiện đo đạc trọng lực tại 10.000 điểm ở khu vực TP HCM, đã lập được bản đồ xác định kiến tạo về kết cấu địa chất; xác định được nguồn phát sinh động đất và sức ảnh hưởng tới TP HCM; thành lập được bản đồ dao động nền cho thành phố khi có động đất. Đây là những yếu tố không thể thiếu trong quy hoạch, xây dựng các công trình ở thành phố.

Dễ thiệt hại lớn do nền đất yếu

Dù được xác định là vùng ít có nguy cơ, nhưng mức độ thiệt hại lại được xác định sẽ là cao, cấp 7/12, nếu như TP HCM xảy ra động đất. Nguyên nhân chính là do kết cấu đất của TP HCM yếu nên dẫn đến thiệt hại lớn với các công trình xây dựng. Cùng với đó, mật độ tập trung đông dân số, cơ sở hạ tầng, sản xuất... sẽ kéo theo mức độ tàn phá nghiêm trọng.

Tuy nhiên, trước mắt, theo TS Huỳnh Ngọc Sáng, ĐH Quốc gia TP HCM, nguy cơ đất hóa lỏng ở TP HCM được đánh giá là rất cao, kể cả khi không có động đất. Tại TP HCM đã từng ghi nhận nhiều công trình, tài sản lún xuống đất đến hàng chục mét, như : sự cố chìm 1.200 tấn thép cây phôi, sâu đến 23 m, tại một kho chứa thép ở Bình Điền (huyện Bình Chánh) vào năm 2000 ; vụ chìm 1.000 tấn thép lá, sâu 20 m, tại phường 25, quận Bình Thạnh vào năm 2002... Hiện tượng lún các khối thử tải trong các công trình xây dựng cũng không phải là quá hiếm. Kết cấu địa chất ở vùng ven sông, Nam Sài Gòn (Q.7, Bình Chánh, Cần Giờ) rất phổ biến với hiện tượng đất hóa lỏng này.

“Đây là vấn đề cần tính đến trong các công trình xây dựng”, TS Huỳnh Ngọc Sáng cho biết. Còn theo giải thích của PGS TS Cao Đình Triều, Phó chủ tịch Tổng hội địa chất châu, có hiện tượng trên là do khu vực này trầm tích trẻ, yếu, chưa có sự liên kết tốt.

Công trình nghiên cứu trên đã được hội đồng khoa học đánh giá cao, cần thiết sớm áp dụng để đưa ra các tiêu chuẩn xây dựng trong việc quy hoạch TP HCM.

Theo Báo Đất Việt
  • 2.282