Tranh cãi quanh hộp hài cốt người thân Chúa Jesus

  •  
  • 2.934

Chính quyền Tel Aviv đang đối mặt với cáo buộc đã cố tình hủy hoại bằng chứng duy nhất cho thấy sự liên hệ với đời thực của Chúa Jesus.

Một hộp đá vôi được cho là giữ hài cốt của anh (em) Chúa Jesus Christ đang là trung tâm một vụ giả mạo gây tranh cãi nhất lịch sử hiện đại. Và diễn biến mới nhất là chính phủ Israel dính cáo buộc đã cố ý phá hoại chiếc hộp này trước khi trả lại cho chủ nhân đích thực. Được gọi là hộp hài cốt James, nó là chiếc hộp bằng đá nhỏ, chiều dài chưa đến 60cm, với dòng chữ “James, con của Joseph, anh (em) của Jesus”. Chuyện Jesus có anh em tiếp tục lại là một ý tưởng gây tranh cãi khác của Giáo hội Công giáo La Mã. Nếu được chứng thực, đây được xem là mối liên kết vật chất đầu tiên với người khai sáng giáo hội Thiên chúa.

Theo Fox News, hội đồng ba thẩm phán của Tòa tối cao Israel đã ra lệnh buộc Cơ quan Cổ vật Israel (IAA) phải trao trả chiếc hộp trên cùng một vài đồ cổ khác cho nhà sưu tầm Oded Golan vào tháng trước, sau khi cơ quan này trong suốt 10 năm tìm mọi cách cáo buộc ông Golan làm giả những cổ vật này. Chiếc hộp gây tranh cãi sẽ sớm được trưng bày trước công chúng lần đầu tiên kể từ năm 2002. Tuy nhiên, một vấn đề nghiêm trọng đã nảy sinh: những vết ố màu đỏ xuất hiện trên phần chữ khắc, dấu vết còn lại của một hỗn hợp silicon mà Phòng thí nghiệm pháp y của cảnh sát Israel để lại trong quá trình xác định tính chất xác thực của hộp hài cốt James. Nhưng các vết ố trên có thể làm hỏng hoàn toàn khả năng giám định cổ vật này, hay nói cách khác, khó có thể xác định đây là đồ thật hay giả.

Tranh cãi quanh hộp hài cốt người thân Chúa Jesus
Chiếc hộp được cho là chứa hài cốt của người thân Chúa Jesus - (Ảnh: Biblical Archeology Society)

“Cảnh sát Israel, với sự đồng ý của IAA, đã dán lớp silicon đỏ lên trên chữ khắc, và hành động này đang phá hủy lớp bóng trên mặt chữ, từ đó phá hủy chứng cứ”, theo các nhà địa chất học từng nghiên cứu hộp hài cốt vào năm 2002. Nhà báo Matthew Kalman tại Jerusalem dẫn lời các chuyên gia khẳng định: “Hậu quả là một mảnh nhỏ của chữ bị mất đi và không thể nào có thể tiếp tục nghiên cứu”. Lớp bóng thường hình thành trên bề mặt vật thể sau một thời gian dài. Đây là một trong những yếu tố được giới khảo cổ học dựa vào để xác định tình trạng thật hay giả của cổ vật. Thẩm phán Aharon Farkash, người chủ trì vụ này, đồng ý rằng quá trình kiểm tra của cảnh sát Israel đã gây tổn thất cho chiếc hộp, khiến ông này có chứng cứ nghi ngờ về cáo buộc đang đổ lên đầu của nhà sưu tầm đồ cổ Golan trong bao năm qua. “Không thể tranh cãi rằng việc đổ silicon của những chuyên gia pháp y đã thay đổi tình trạng vật lý của chiếc hộp”, theo thẩm phán Farkash.

Trong lúc đó, phía “phá hoại” cũng chẳng rõ ai đã đưa ra quyết định phủ silicon lên hộp hài cốt. Quan chức cảnh sát chịu trách nhiệm điều tra vụ này khẳng định đã yêu cầu phòng thí nghiệm chỉ giám định bên ngoài chứ không thực hiện bất kỳ cuộc thí nghiệm nào khác. Phía IAA bị buộc phải giải trình về hiện trạng của hộp hài cốt James. Về phần mình, ông Golan bày tỏ sự phẫn nộ vì cổ vật trên đã bị tổn hại khi cuối cùng cũng nhận lại được cổ vật gây tranh cãi. “Nó không còn trong tình trạng ban đầu nữa. Phần khắc chữ đã bị xóa đi và nhiễm bẩn. Chính quyền nói rằng đoạn sau của dòng chữ này là giả mạo, tức phần ghi “anh(em) của Jesus”, và đây cũng là phần bị tổn hại nặng nhất”, ông Golan chỉ ra.

Dù phán quyết cuối cùng như thế nào, không nghi ngờ gì nữa chiếc hộp trên đã bị hủy hoại, và chứng cứ liên hệ với Chúa Jesus nhiều khả năng sẽ không bao giờ được thiết lập, trừ phi các nhà khảo cổ tìm được chứng cứ mới.

Theo Thanh Niên
  • 2.934