Trị chảy máu mũi tự phát ở người già

  •  
  • 1.196

Người cao tuổi dễ bị chảy máu mũi do sự lão hóa của hệ tim mạch, sự già đi và teo nhỏ của các mô, mạch máu và những thay đổi bất lợi của các chu trình sinh học liên quan tới tạo máu và đông máu.

Chảy máu mũi là một cấp cứu thường gặp trong chuyên ngành tai mũi họng, bao gồm các trường hợp chảy máu ra phía cửa mũi trước hay chảy xuống họng. Đa số các ca chảy máu mũi xảy ra một cách tự nhiên, có thể đi kèm với một bệnh cảnh tại chỗ hoặc toàn thân rõ ràng (hoặc xác định được nhưng rất phức tạp), gọi là chảy máu mũi tự phát.

Phần lớn các trường hợp chảy máu mũi là lành tính, tự cầm nhưng cũng có một số trường hợp nặng phải điều trị khẩn cấp vì có thể dẫn tới tử vong. Chảy máu mũi có thể là triệu chứng phụ của một bệnh cảnh nhất định nhưng cũng có thể xuất hiện đơn độc và không tìm thấy nguyên nhân. Đối với người cao tuổi, chảy máu mũi càng dễ xảy ra do sự lão hóa của hệ tim mạch, mô, mạch máu.

Ở thời cổ Hy Lạp cách đây 2.500 năm, đã có khoảng 130 tác phẩm nghệ thuật mô tả về chảy máu mũi. Vào khoảng 600 năm trước Công nguyên, Assyrien, Hyppocrate... đã bắt đầu đề xuất phương pháp cầm máu mũi đầu tiên, đồng thời cũng nghiên cứu tìm ra một số nguyên nhân của chảy máu mũi như phồng và vỡ các mạch máu, giảm hiệu quả cầm máu bên trong.

Mũi được nuôi dưỡng bởi động mạch cảnh trong và động mạch cảnh ngoài. Chúng có rất nhiều nhánh tỏa thành một hệ mao mạch rất phong phú nằm ngay dưới lớp niêm mạc mỏng mảnh của mũi. Vì thế, chảy máu mũi rất dễ xảy ra, chỉ cần thời tiết hanh khô đã đủ gây chảy máu.

Nguyên nhân gây chảy máu mũi có thể nằm ngay tại mũi (viêm mũi xoang, dị vật nằm trong mũi gây loét, các khối u lành hoặc ác tính, chấn thương) hoặc ở một bệnh toàn thân cấp tính (sởi, cúm, sốt xuất huyết, thương hàn), các bệnh về máu (suy tủy, leucose, giảm tiểu cầu), bệnh tim mạch (tăng huyết áp), viêm cầu thận cấp và mạn tính...

Chảy máu mũi có thể xảy ra với nhiều mức độ khác nhau và sẽ được xử trí theo từng mức độ của bệnh. Ở mức độ nhẹ, máu chảy ít, có thể tự cầm, tình trạng toàn thân không bị ảnh hưởng. Mức độ trung bình là máu đỏ tươi, chảy thành dòng, tràn qua cửa mũi trước hoặc xuống họng nhưng bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo tiếp xúc được. Gọi là chảy máu nặng khi máu chảy nhiều thành dòng đỏ tươi, kéo dài nhiều lần, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình trạng toàn thân - thường do vỡ các mạch máu lớn.

Nếu chảy máu nhẹ, bệnh nhân chỉ cần tự ép chặt hai cánh mũi trong 5 phút. Nếu nặng hơn, nên nhét một miếng vải dài, sạch ấn chặt vào mũi rồi chuyển ngay đến nơi có cơ sở tai mũi họng để cầm máu và tìm nguyên nhân giải quyết triệt để. Hiện nay, nhờ các phương tiện nội soi hốc mũi, có thể tìm được điểm đang chảy máu nằm sâu trong hốc mũi và đốt trực tiếp điểm chảy, cầm được máu rất nhanh. Các bác sĩ cũng có thể xử trí những điểm vỡ ở vị trí rất sâu của động mạch bằng hệ thống phương tiện luồn qua hệ động mạch đùi.

Tuy nhiên, giải quyết nguyên nhân là điều quan trọng nhất để phòng chảy máu mũi tái phát.

ThS. PHẠM BÍCH ĐÀO, Sức Khỏe & Đời Sống

  • 1.196