Ngày nay trò chơi điện tử đã trở nên rất phổ biến trong cuộc sống. Một nghiên cứu nhỏ của các nhà khoa học thuộc đại học McMaster chỉ ra rằng những trò chơi điện tử với nội dung thiết kế đặc biệt có thể đẩy mạnh hành vi cư xử tích cực đối với những bệnh nhân ung thư trẻ tuổi giúp cho việc chữa trị bằng thuốc có hiệu quả hơn.
Nghiên cứu được đăng tải trên tờ báo y học Pediatrics cung cấp nhiều bằng chứng khoa học cho một lĩnh vực chữa trị quá mới mẻ: Dùng trò chơi điện tử và những công nghệ giải trí khác để tác động lên người bệnh.
Theo Steve Cole, đồng tác giả của nghiên cứu và cũng là phó chủ tịch của tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận HopeLab: “Chúng tôi có nhiều phương pháp chữa ung thư cho những bạn trẻ, nhưng đòi hỏi họ phải thật sự sống cùng chúng tôi. Những trò chơi điện tử mới được xây dựng, phát triển có nội dung phù hợp có thể giúp bệnh nhân cảm thấy không còn quá đau đớn trong suốt quá trình theo đuổi việc chữa trị”.
Một cảnh trong trò chơi Re-Mission. Ảnh: JoyStiq
HopeLab đã phát triển một trò chơi mới tên là Re-Mission nhằm giúp những người bị ung thư trong độ tuổi thanh thiếu niên cải thiện những hành vi và yếu tố tâm lý khi chữa trị bằng thuốc. Trong trò chơi Re-Mission, người chơi sẽ đóng vai một phi công điều khiển chiếc phi thuyền vũ trụ du hành vào cơ thể một bệnh nhân ung thư giả định, đánh tan những tế bào ung thư, tìm cách xây dựng lại một cơ thể khỏe mạnh hơn.
Những tình nguyện viên trong nghiên cứu này được chia làm hai nhóm. Một nhóm tham gia trò chơi, và nhóm không tham gia. Các nhà khoa học nhận thấy, những người khi tham gia trò chơi suốt quá trình chữa trị sẽ có những đợt hóa trị liệu và tiêm thuốc kháng sinh tốt hơn những người không tham gia trò chơi. Và hơn nữa, bệnh nhân cũng sẽ hiểu hơn về căn bệnh mà họ đang mắc phải. Từ đó sẽ có một sự hợp tác tích cực hơn cho việc chữa trị.