Trung Quốc chi 14,8 tỷ USD xây tòa nhà cao kỷ lục nhưng lại bị nói là "không có thực"

  •  
  • 901

Nếu điểm danh đất nước nổi tiếng với những công trình với kiến trúc độc đáo dễ để lại ấn tượng sâu sắc với người nhìn thì chắc chắn không thể thiếu Trung Quốc. Tại quốc gia này, nhiều tòa nhà dường như có lối thiết sáng tạo tới mức người nhìn cảm giác khó tin. Tòa nhà trung tâm Thượng Hải là một công trình như vậy.

Tòa nhà cao nhất Trung Quốc


Tòa nhà trung tâm Thượng Hải cao 128 tầng tương ứng với chiều cao là 632 mét. (Ảnh: The Guardian)

Tòa nhà trung tâm Thượng Hải hay còn gọi là tháp Thượng Hải được xây dựng từ tháng 11/2008 và được hoàn thành vào hè năm 2015. Tháp Thượng Hải tọa lạc tại Lục Gia Chủy, Phố Đông, Thượng Hải. Tòa nhà cao 128 tầng tương ứng với chiều cao là 632 mét. Tháp Thượng Hải được biết đến như chính là một công trình cao thứ hai chỉ đứng sau tháp Burj Khalifa và đồng thời tháp Thượng Hải cũng chính là tòa nhà cao nhất Trung Quốc. Sau khi hoàn thành vào năm 2015, tòa tháp Thượng Hải với chiều cao 632 mét đã dễ dàng vượt qua tòa nhà cao nhất nước Mỹ với tổng chiều cao là 541 mét lúc bấy giờ.

Tháp Thượng Hải do công ty kiến trúc Kohn Pederson Fox Associates - có trụ sở tại New York và nhiều văn phòng trên khắp thế giới - thiết kế. Tòa nhà có diện tích sàn 377.000m2, là nơi làm việc của khoảng 12.000 nhân viên văn phòng ở 70 tầng. Toà nhà có không gian kinh doanh và trung tâm hội nghị ở bên dưới, một khách sạn ở trên.

Với chiều cao 632 mét, tòa nhà này đã dễ dàng vượt qua tòa nhà cao nhất nước Mỹ.
Với chiều cao 632 mét, tòa nhà này đã dễ dàng vượt qua tòa nhà cao nhất nước Mỹ. (Ảnh: The Guardian)

Vì Thượng Hải là khu vực đồng bằng nhiều cát, thường bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết như bão, động đất nên làm sao để tòa tháp chọc trời này có thể trụ vững là thách thức không nhỏ với đội ngũ thiết kế và thi công.

Kiến trúc sư Tim Johnson, người đứng đầu ủy ban bình chọn của hội đồng Các toà nhà cao tầng và Quy hoạch thành phố, đã mô tả về thiết kế của tòa tháp. Giàn thép có khả năng chịu được sức gió và động đất khiến toà nhà nhẹ hơn, giúp phải tốn ít thép xây dựng hơn và góp phần củng cố thế vững chãi của toà nhà.


Trọng lượng ước tính của tòa nhà này vào khoảng 850.000 tấn. (Ảnh: The Guardian)

Để hoàn thành phần móng của tòa nhà, hơn 2.000 công nhân đã phải chôn hàng trăm cọc đỡ sâu dưới đất. Hơn 61.000m3 bê tông được chuẩn bị và đổ liên tục trong 60 giờ để tạo ra phần móng cho tháp Thượng Hải. Bên cạnh đó, để giúp cấu trúc tòa nhà ổn định trong gió mạnh, công trình này được thiết kế hình trụ xoắn ốc đặc biệt. Trọng lượng ước tính của tòa tháp này vào khoảng 850.000 tấn.

Tháp Thượng Hải có 9 hình trụ xếp chồng lên nhau với tất cả mặt ngoài được ốp 2 lớp kính trong suốt, có tính phản chiếu cao để giảm sự hấp thụ nhiệt. Hệ thống lan can của tòa nhà cũng được thiết kế dạng xoắn ốc, hấp thụ được tối đa một lượng nhiệt lớn để điều hòa không khí và sưởi ấm cho tòa nhà.

Tòa nhà có thiết kế kỳ lạ

Tòa nhà này có thiết kế quá trừu tượng.
Tuy tòa nhà Thượng Hải sở hữu nhiều kỷ lục nhưng trong mắt nhiều người, nó có thiết kế quá trừu tượng. (Ảnh: The Guardian)

Tuy tòa nhà Thượng Hải sở hữu nhiều kỷ lục nhưng trong mắt nhiều người nó có thiết kế quá trừu tượng. Sở dĩ có ý kiến như vậy là bởi tòa nhà được thiết kế hình xoắn ốc, đặc biệt là đỉnh tòa nhà xuyên qua cả tầng mây, khiến người ta có cảm giác nó không có thực.

Thiết kế này của tòa tháp Thượng Hải được đánh giá là "độc nhất vô nhị". Khác hẳn bề ngoài vuông vức của các tòa nhà thông thường, tòa nhà trung tâm Thượng Hải xoắn dần khi càng lên cao khiến ai thoạt nhìn đều lầm tưởng nó bị méo hay bị vẹo.


Các kiến trúc sư đã lý giải rằng thiết kế của tòa nhà trung tâm Thượng Hải để thích ứng tốt hơn với khí hậu của Thượng Hải và giảm bớt thiệt hại do gió mạnh gây ra. (Ảnh: The Guardian)

Các kiến trúc sư đã lý giải rằng do Thượng Hải là thành phố ven biển ở phía đông Trung Quốc nên thường bị ảnh hưởng bởi những cơn bão mạnh vào mùa hè. Tòa nhà này đã được thiết kế như vậy để thích ứng tốt hơn với khí hậu của Thượng Hải và giảm bớt thiệt hại do gió mạnh gây ra. Như vậy, khi gió lớn đi qua, bề mặt cong của tòa nhà sẽ có tác dụng điều chỉnh nhất định, thậm chí có thể chịu được bão cấp 12. Dáng hình nón tạo cảm giác là toà nhà đang "hoà tan" vào bầu trời.

Cập nhật: 14/08/2023 PNVN
  • 901