Trung Quốc có thể cung cấp vắc xin chống lại dịch tả lợn châu Phi

  •  
  • 249

Theo Tân Hoa xã, Viện nghiên cứu Thú y Cáp Nhĩ Tân, trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc vừa đạt được thành quả ban đầu trong nghiên cứu vắc xin ngừa dịch ASF.

Nhóm nghiên cứu của Viện trên hôm 27/5 khẳng định họ đạt được 5 bước trong việc tìm ra con đường sản xuất vắc xin, chưa phải là vắc xin chính thức.

Cụ thể, bước một là các nhà khoa học đã phân ly được virus ASF, tìm ra mô hình sinh sôi và cơ chế, năng lực lây nhiễm.

Tiêu hủy lợn nhiễm bệnh.
Tiêu hủy lợn nhiễm bệnh.

Bước hai là chế tạo ra vắc xin thử nghiệm, trước mắt đã tạo ra 2 chủng vắc xin cho thấy hiệu quả về an toàn sinh học và khả năng tạo ra hệ miễn dịch cho lợn.

Bước thứ ba là 2 chủng vắc xin này không gây ảnh hưởng tới các tổ chức tế bào ngoài, cũng như không gây ra hiện tượng đào thải trong cơ thể lợn.

Bước thứ tư là xác định rõ lượng vắc xin cần thiết tạo ra hệ miễn dịch với ASF.

Bước cuối cùng là Trung Quốc đã có những “thành công sơ bộ” về việc thử nghiệm lâm sàng với vắc xin mới.

5 bước trên chính là các quy trình để phát triển một vắc xin mới và tin tức này xứng đáng là một tin vui đối với nông dân Trung Quốc và trên thế giới.

Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc cũng tuyên bố đã xác định được toàn bộ các nhân tố cơ bản của virus ASF, tìm ra nhiều cơ chế ức chế tự nhiên với virus, hoàn thành sơ bộ việc nghiên cứu cơ chế ức chế miễn dịch của virus, cũng như xác định các loại bọ truyền nhiễm từ lợn bệnh sang lợn lành.

Trung Quốc khẳng định sẽ đẩy nhanh bước tiếp theo để sản xuất vắc xin diện rộng, song chưa thể xác định thời gian cụ thể.

Hình ảnh qua kính hiển vi điện tử của tế bào lợn bị nhiễm virus ASF.
Hình ảnh qua kính hiển vi điện tử của tế bào lợn bị nhiễm virus ASF.

Tìm ra vắc xin mới chống lại dịch tả lợn châu Phi đang là nỗ lực của toàn thế giới.

Các nhân viên thú y của 182 quốc gia thuộc Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đang họp tại Paris trong tuần này để tập trung tìm kiếm phát triển vắc xin mới hiệu quả nhất.

Dịch tả lợn châu Phi đang tàn phá ngành chăn nuôi lợn tại Trung Quốc, nước có đàn lợn lớn nhất thế giới. Ngân hàng Rabobank của Hà Lan ước tính quy mô đàn lợn tại Trung Quốc có thể giảm đi một phần ba trong năm 2019, tức giảm đến 200 triệu con, theo CNN.

Con số này gần như bằng tổng quy mô đàn lợn ở Mỹ và châu Phi cộng lại.

Virus này đã lan đến tất cả 31 tỉnh của Trung Quốc và hiện đang lưu hành hoặc ủ bệnh trong các quần thể lợn ở Tây Tạng, Tân Cương.

Virus gây bệnh tả lợn châu Phi vô hại với con người nhưng vô cùng nguy hiểm với lợn, và đến nay vẫn chưa có vắc xin hay cách chữa trị. Bắt nguồn từ châu Phi, dịch bệnh được ghi nhận tại Đông Âu và Nga trước khi xuất hiện tại Trung Quốc lần đầu hồi tháng 8/2018.

Dịch bệnh sau đó đã lan sang một số nước châu Á khác, bao gồm Việt Nam và Campuchia, Thái Lan và thậm chí có thể lan sang Úc.

Giám đốc thú y của Bộ Nông nghiệp Úc và đồng thời là Chủ tịch của OIE, Mark Schipp cho hay, các nhà khoa học thú y Tây Ban Nha gần đây tuyên bố đã xác định được một loại vắc xin cho đàn lợn rừng ở châu Âu, nhưng loại vắc xin cho lợn nhà vẫn chưa được phát triển.

Cập nhật: 31/05/2019 Theo Đất Việt
  • 249