Sứ mệnh mang tên Thiên Vấn 2 sẽ phóng một tàu thăm dò đến tiểu hành tinh 2016 HO3 để lấy mẫu rồi mang chúng trở về Trái đất.
Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã tiết lộ kế hoạch này trong một thông báo vào hôm 2/3, nói rằng sứ mệnh đã được Chính phủ phê duyệt và các nhà khoa học sẽ tổ chức một hội thảo học thuật vào tháng 4. Các chủ đề chính trong hội thảo sẽ bao gồm kế hoạch cơ bản, mục tiêu khoa học, trọng tải nhiệm vụ, mô hình hoạt động của Thiên Vấn 2, cũng như cập nhật về nghiên cứu tiểu hành tinh.
Theo Ye Peijian, nhà nghiên cứu tàu vũ trụ hàng đầu tại Học viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc, ý tưởng cơ bản của sứ mệnh là sử dụng tên lửa đẩy lớn để gửi một tàu thăm dò gồm hai phần - tàu quỹ đạo và module tái nhập khí quyển - về phía 2016 HO3.
Mô phỏng tiểu hành tinh 2016 HO3. (Ảnh: NASA)
Sau khi tiếp cận tiểu hành tinh, tàu thăm dò sẽ quay quanh thiên thể, sau đó bay rất gần nó và sử dụng một cánh tay cơ khí để hút bụi trên bề mặt. Con tàu mang theo mẫu vật sẽ bay trở lại quỹ đạo Trái đất và giải phóng module tái nhập khí quyển, cho phép nó đáp xuống bề mặt Trái đất cùng với mẫu bụi tiểu hành tinh.
Sau khi giải phóng module, tàu quỹ đạo sẽ di chuyển về phía một sao chổi ở vành đai tiểu hành tinh chính có tên 311P để tiếp tục các nhiệm vụ khám phá khoa học của mình, Peijian nói.
Các nhà khoa học hiện đã xác định được khoảng một triệu tiểu hành tinh trong hệ Mặt trời, với hơn 20.000 trong số đó di chuyển gần Trái đất. 2016 HO3, còn gọi là 469219 Kamo'oalewa, lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 4/2016 bởi một kính viễn vọng khảo sát tiểu hành tinh tại Đài thiên văn Haleakala ở Hawaii.
2016 HO3 được xem là bán vệ tinh của Trái đất do có quỹ đạo đặc biệt. (Video: NASA)
2016 HO3 di chuyển theo quỹ đạo quanh Mặt trời khiến nó "đồng hành" liên tục cùng Trái đất. Các chuyên gia NASA cho biết thiên thể này quá xa để được coi là một vệ tinh thực sự, nhưng nó là ví dụ tốt nhất và ổn định nhất cho đến nay về một bán vệ tinh.
Thiên Vấn 2 là sứ mệnh liên hành tinh thứ hai của Trung Quốc, sau Thiên Vấn 1 được phóng lên sao Hỏa vào ngày 23/7/2020, bao gồm một tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ và robot tự hành. Kể từ khi đáp xuống bề mặt hành tinh đỏ vào tháng 5/2021, robot Chúc Dung đã di chuyển được gần 2.000m và thu thập rất nhiều dữ liệu thô cho đến nay.