Các nhà khoa học tìm thấy cụm hầm mộ thời Tây Hán chứa nhiều đồ tạo tác có niên đại khoảng 2.000 năm. Cụm hầm mộ chứa nhiều đồ tạo tác có thể giúp cho chúng ta hiểu hơn về cuộc sống, tôn giáo và văn hóa triều đại Tây Hán trong thời kỳ đó.
Hầm mộ 2.000 năm tuổi với dấu tích các cột trụ mục nát. (Ảnh: Xinhua)
Nhóm nhà khảo cổ từ Viện Khảo cổ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Hồ Nam thông báo, phát hiện 21 hầm mộ có niên đại 2.000 năm tại di chỉ khảo cổ Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Ancient Origins hôm 16/1 đưa tin. Vương quốc Trường Sa cổ đại được thành lập vào năm 203 hoặc 202 trước Công nguyên, là một trong những vương quốc lớn nhất và tồn tại lâu nhất dưới thời nhà Hán.
Nhóm chuyên gia tìm được tổng cộng hơn 200 đồ tạo tác trong 21 hầm mộ. Các hầm mộ nằm dọc theo một sườn núi hẻo lánh, chứa nhiều đồ gốm có niên đại 2.000 năm từ thời Tây Hán. Trong đó, một hầm mộ đặc biệt có vết tích 5 cột trụ mục nát và quan tài có hình dạng giống ký tự "II".
Sau khi nghiên cứu 21 hầm mộ có niên đại tương tự nhau, nhóm khảo cổ kết luận chúng có khả năng thuộc về một gia đình hoàng tộc được chôn cất cùng nhau trong lăng cổ đại. Họ chia các hầm mộ thành hai loại: có lối đi và không có lối đi. Nhiều hầm mộ nằm sát cạnh nhau. Tại một phía của di chỉ, ba hầm mộ nằm liên tiếp, trong khi phía còn lại có 4 hầm mộ xếp thành hàng.
Những ghi chép của nhà triết học Wang Chong vào khoảng năm 27 - 100 mô tả các tập tục chôn cất của hoàng gia Tây Hán, bao gồm vật cúng tế tại các đền thờ tổ tiên. Điều này giải thích cho số lượng lớn đồ tùy táng được phát hiện các hầm mộ ở Trường Sa.
Nhà Hán được Lưu Bang thành lập cách đây hơn 2.000 năm, do nhà họ Lưu cai trị. Triều đại này tồn tại qua hai thời kỳ: Tây Hán (khoảng năm 202 - 9 trước Công nguyên) và Đông Hán (khoảng năm 25 - 220). Kéo dài hơn 4 thế kỷ, nhà Hán được coi là một giai đoạn hoàng kim trong lịch sử Trung Quốc cổ đại. |