Trung Quốc xây tổ hợp đường hầm gió lớn nhất thế giới

  •  
  • 104

Tổ hợp 18 đường hầm gió nằm rải rác trên cả nước giúp Trung Quốc cho ra đời máy bay chở khách lớn đầu tiên sản xuất nội địa mang tên C919.

Từ năm 2007, Trung Quốc đầu tư nhiều tài nguyên vào xây dựng 18 đường hầm gió trên cả nước, cung cấp môi trường thử nghiệm quan trọng cho các nhà khoa học và kỹ sư khi họ tìm cách chế tạo máy bay phản lực dân sự nội địa lớn đầu tiên. Sau hơn 16 năm, bài báo đăng trên tạp chí Acta Aerodynamica Sinica của kỹ sư Wu Junqiang tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển khí động học Trung Quốc tại Miên Dương, Tứ Xuyên, lần đầu tiên mô tả chi tiết quy mô của tổ hợp đường hầm gió, Interesting Engineering hôm 18/1 đưa tin.

 Máy bay C919 của Trung Quốc.
Máy bay C919 của Trung Quốc. (Ảnh: Sky_Blue/iStock).

Theo Wu, tổ hợp tương đương tổng số đường hầm gió tương tự ở Mỹ và châu Âu (11 ở Mỹ và 7 ở châu Âu). Đặc biệt, những đường hầm gió lớn nhất của phương Tây được sử dụng để phát triển mẫu mới cho Boeing và Airbus có kích thước không quá 5m. Trái lại, Trung Quốc có 4 đường hầm gió từ 8m trở lên. Những đường hầm này giúp các nhà khoa học và kỹ sư thử vượt qua nhiều thách thức trong phát triển máy bay, từ hình dáng khí động, điều kiện hoạt động cực hạn tới hệ thống phá băng, khử độ rung, tiếng ồn và kiểm soát bay.

Cơ sở hạ tầng nghiên cứu quy mô lớn trên mặt đất này đặc biệt được sử dụng để phát triển máy bay dân sự đã bàn giao gần đây của Trung Quốc là C919. Loại máy bay này có không gian rộng rãi hơn và hình dáng khí động với lực cản thấp hơn so với các đối thủ là Boeing 737 và Airbus A320. Ngoài ra, trong giai đoạn bay hành trình, độ ồn cabin của 737 có thể lên tới 80 decibel, trong khi C919 chỉ tạo ra 60 decibel. Mẫu máy bay cũng tiết kiệm chi phí với chi phí hoạt động, bao gồm tiêu thụ nhiên liệu, thấp hơn 10% so với đối thủ đến từ phương Tây.

C919 mới chỉ hoạt động thương mại vài tháng, chi phí vận hành dài hạn và độ tin cậy của phương tiện vẫn cần kiểm tra. Ngoài ra, động cơ của máy bay hiện nay phụ thuộc vào nhà cung cấp phương Tây. Tuy nhiên, máy bay này được thiết kế từ đầu thông qua sử dụng duy nhất đường hầm gió ở Trung Quốc, thể hiện đột phá về công nghệ.

Khi chính phủ Trung Quốc tái khởi động chương trình máy bay dân sự năm 2007, cả nước chỉ có một đường hầm gió với chiều rộng 2,4 m. Dù quân đội Trung Quốc có thể tiếp cận nhiều đường hầm, đặc điểm của máy bay dân sự khác hẳn máy bay chiến đấu. Các nhà xây dựng đường hầm gió ở Trung Quốc đã tạo ra đột phá trong một loạt thách thức công nghệ suốt hai thập kỷ qua, thiết lập một hệ thống nghiên cứu và phát triển máy bay lớn với đầy đủ quyền sở hữu trí tuệ.

Cập nhật: 22/01/2024 VnExpress
  • 104