Trường học như thiên đường của triết gia Hy Lạp Aristotle

  •  
  • 1.474

Ngôi trường có cảnh quan xanh tươi, suối nước róc rách xung quanh và những hang động lớn giống như trong thần thoại Hy Lạp.

Theo Acient Origins, Aristotle là học trò xuất sắc của đại triết gia Platon, có công tiếp nối, phát triển và thống nhất triết lý thành tư tưởng triết học cổ đại. Cùng với Platon và Socrates, Aristotle là một trong ba trụ cột của văn minh Hy Lạp cổ đại.

Nổi tiếng là một trong những bộ óc vĩ đại nhất của thời đại, Aristotle được Philip Đệ nhị - đức vua xứ Macedonia, mời về triều đình dạy dỗ thái tử Alexander, người sau này trở thành Alexander Đại đế.

Aristotle đã lập nên một trường học đặt tại Nymphaion, Mieza, nằm gần khu lăng mộ của vua cha Alexander Đại đế ở Naoussa, thành phố nhỏ phía bắc Hy Lạp. Ngôi trường có cảnh quan xanh tươi, suối nước róc rách xung quanh và những hang động lớn giống như trong thần thoại cổ Hy Lạp. Trong khung cảnh tươi đẹp như thiên đường nơi hạ giới, các học viên của Aristotle được truyền thụ những kiến thức về triết học và nhiều ngành khoa học khác ở thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên.

Khung cảnh như thiên đường

Khi Aristotle xây dựng trường học trong những hang động tuyệt đẹp ấy, thì ngoài đền thờ các nữ thần, vùng đất này cũng đã chứa đầy những di tích cổ xưa. Vẫn còn tồn tại đến ngày nay có thể kể đến dãy cột trụ chống đỡ mái vòm cao hai tầng, những cột trụ kiểu Ionic gồm hai vòng cuốn xoắn ốc được gắn trên đầu cột được trang trí gờ chỉ.

Trường học được tạo thành nhờ sự kết nối của ba hang động tự nhiên. Tường đá có bề mặt phẳng thẳng đứng, hàng lỗ đục sâu vào đá kê xà của mái nhà vẫn còn hiện hữu đến ngày nay. Ngói lợp và đồ gốm trang trí từ mái hiên đang được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học của Veroia.

Bích họa mô tả trường học của Aristotle do họa sĩ Raphael vẽ năm 1509-1510.
Bích họa mô tả trường học của Aristotle do họa sĩ Raphael vẽ năm 1509-1510. (Ảnh: Pin it).

Khung cảnh tươi đẹp nơi đại triết gia dạo chơi cùng các môn đệ, đồng thời truyền thụ cho họ những triết lý về thế giới đạo đức và chính trị gần như không thay đổi qua nhiều thế kỷ. Vẫn vẹn nguyên nơi đó những lối mòn phủ đầy cỏ hoa, cây cối xanh tươi, suối mát yên bình chảy róc rách.

Nhà hiền triết ở Naoussa

Aristotle sinh năm 384 trước Công nguyên tại thị thành Stagira, Chalkidice, ở ngoại vi phía bắc của Hy Lạp cổ. Cha ông là Nicomachus, một bác sĩ, và mẹ ông tên là Phaestia. Aristotle có một em trai tên là Arimnestus và một em gái tên là Arimneste.

Cha mẹ của Aristotle qua đời khi ông còn rất nhỏ, và người giám hộ Proxenus xứ Atarneus, đã dạy dỗ Aristotle vài năm trước khi gửi đến Athens để theo học trường Platon.

Aristotle theo học ở đó từ năm 18 tuổi đến năm 37 tuổi. Năm 347 trước Công nguyên, khi rời trường, Aristotle đã trở thành triết gia nổi tiếng trong giới quý tộc ở kinh thành cổ giàu sang Pella của xứ Macedonia.

Aristotle tin vào những khái niệm và kiến ​​thức cơ bản có được dựa trên nhận thức. Kiến thức của ông về các ngành khoa học tự nhiên được sử dụng để trình bày nhiều nền tảng triết lý cơ bản.

Di bút của Aristotle trình bày, đề cập đến nhiều lĩnh vực như vật lý học, siêu hình học, thi văn, kịch nghệ, âm nhạc, luận lý học, tu từ học (rhetoric), ngôn ngữ học, kinh tế học, chính trị học, đạo đức học, sinh học, và động vật học.

Aristotle được xem là người đặt nền móng cho môn luận lý học (logic), một số tác phẩm của ông được coi là các nghiên cứu chính thức được biết đến sớm nhất của logic, mà đến thế kỷ 19 thì trở thành cơ sở cho các logic hình thức hiện đại.

Các kết quả phân tích của Aristotle tạo ra quan điểm mới về vật lý học, dẫn hướng nghiên cứu cho các học giả thời Trung cổ và mở rộng ảnh hưởng vào thời kỳ Phục hưng. Những quan điểm này thậm chí vẫn được coi là không thể thay thế đến tận thời kỳ Khai sáng do liên hệ chặt chẽ với cuộc Cách mạng Khoa học.

Xét về diện mạo, Aristotle là một người đàn ông thấp lùn, đầu hói và có đôi mắt nhỏ. Ông cũng là người nghiện trang phục và vật dụng xa xỉ. Đối với những môn đệ của mình, Aristotle thể hiện sức lôi cuốn, thu hút đặc biệt, nếu không thế tại sao ông lại có ảnh hưởng đến như vậy với những học viên có đòi hỏi khắt khe về học thuật.

Những học trò nổi tiếng của Aristotle

Sau khi Aristotle rời trường Academy của Platon, năm 343 trước Công nguyên, quốc vương Macedonia là Philip II mời Aristotle về triều đình để dạy cho thái tử Alexander cùng một số nhà quý tộc khác của vương triều Macedonia, như Ptolemy (người sáng lập vương quốc Ptolemaic ở Ai cập) hay Cassander - vua trị vì của Macedonia từ 305 đến 297 trước Công nguyên.

Aristotle truyền đạt cho những học viên trẻ tuổi mọi kiến thức hiểu biết của bản thân mình, bên cạnh những chủ đề lý luận tiếp thu được từ trường học của Platon, những chuyên đề khiến ông say mê yêu thích cũng được thảo luận sôi nổi.

Những cuốn sách giáo khoa của trường cũng được biên soạn theo chủ nghĩa trừu tượng, siêu hình học khác với những trường học thông thường. Mục đích của Aristotle là tạo cho học viên có những quan điểm cách nhìn riêng độc lập, sách vở chỉ đóng vai trò chỉ đường dẫn lối hay phương tiện ghi chép giúp ghi nhớ. Cách dạy này tỏ ra đặc biệt phù hợp với những cá nhân ưu tú theo học tại ngôi trường này.

Một góc trường học của Aristotle.
Một góc trường học của Aristotle. (Ảnh: Acient Origins).

Hơn thế nữa, Aristotle còn dạy học trò nhiều kiến thức y khoa như cách phòng chống phát hiện sớm căn bệnh và cách tìm ra thuốc chữa bệnh hiệu quả. Những kiến thức này tỏ ra rất hữu ích đối với Alexander trong thời kỳ tham chiến trên các chiến trường khắc nghiệt và thậm chí đi đâu Alexander cũng mang theo bản sao tác phẩm Iliad của Homer.

Alexander rất yêu quý và kính trọng Aristotle, luôn coi nhà hiền triết như cha và đã từng tuyên bố mạng sống của ông nhận được từ cha đẻ, nhưng người dạy ông sống làm người đạt được mọi thành công chính là Aristotle.

Năm 335 trước Công nguyên, Alexander chuẩn bị tiến quân đánh chiếm đế quốc Ba Tư, Aristotle trở lại Athens lập trường học lấy tên là Lyceum và giảng dạy tại đây hơn một thập kỷ. Aristotle mất năm 322 trước Công nguyên, một năm sau khi Alexander băng hà. Di sản triết học của Aristotle chứa đầy những cuốn sách, những câu chuyện thú vị về vị vua vĩ đại của nhân loại - Alexander Đại đế.

Ngày nay, rất nhiều khách du lịch tới thăm Naoussa, ghé lại những nơi Alexander và Aristotle đã từng ngồi đàm đạo về triết học, trải nghiệm cảm giác am tường thông thái của các bậc hiền triết thời xa xưa.

Cập nhật: 15/02/2016 Theo VnExpress
  • 1.474