Theophrastus - Người hùng thầm lặng của nền khoa học cổ đại

  •  
  • 2.632

Aristotle (Aristoteles (cổ hy lạp: Ἀριστοτέλης Aristotélēs, tiếng latinh và tiếng Đức: Aristóteles) cùng với Plato và Socrates được coi là ba trụ cột của văn minh Hy Lạp cổ đại. Các ông đã để lại cho nhân loại một di sản nghiên cứu đồ sộ trên nhiều lĩnh vực bao gồm: vật lý, siêu hình học, thi văn, kịch nghệ, âm nhạc, luân lý học, tu từ học, ngôn ngữ học, kinh tế học... Tuy nhiên ít ai biết đến, trong những thành tựu rực rỡ của các ông có sự đóng góp đáng kể của người đồng hành Theophrastus.

Theophrastus là người kế tục và là cộng sự thân thiết của Aristotle trong suốt 26 năm, nhưng dường như những dấu ấn mà Theophrastus để lại trong nền khoa học và triết học cổ đại mờ nhạt hơn rất nhiều so với Aristotle. Thực tế, khoa học hiện đại đã chưa đánh giá đúng về những đóng góp của ông. Theophrastus đã có những cống hiến trên nhiều lĩnh vực khoa học cổ đại có thể sánh với thầy mình, thậm chí ở một số lĩnh vực ông còn có những dấu ấn nổi bật hơn Aristole.

Các học giả ngày nay đã cố gắng nghiên cứu, ráp nối và diễn giải lại một cách có hệ thống một số các công trình của Theophrastus và trên cơ sở những dữ liệu lịch sử còn gìn giữ được đến nay, từ đó họ đưa ra một số lý do cho sự mờ nhạt của Theophrastus trước cái bóng vĩ đại của Aristotle. Thực ra, những công trình hai người cùng thực hiện có thể đã bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ thầy trò. Theophrastus chưa bao giờ gọi Aristole bằng tên riêng kể cả khi giữa họ có những bất đồng. Đồng thời các ghi chép của Theophrastus đã nhiều lần được sử dụng trong những nghiên cứu cá nhân của Aristotle. Những công trình đề tên hai người thì các nghiên cứu của ông chỉ đóng vai trò bổ trợ cho Aristotle, điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng mà còn cho thấy ông đã nhún nhường, tôn kính và dành cho Aristotle vị trí cao hơn trong toàn bộ công việc nghiên cứu. Tuy nhiên, chính điều đó đã tạo ấn tượng rằng vai trò của ông chỉ dừng lại là người giúp phát triển những triết học của Aristotle và không thoát ra ngoài những dấu ấn của thầy mình. Bên cạnh đó, những tài liệu còn lại quá ít ỏi và thiếu độ tin cậy cũng khiến cho chúng ta không thể đánh giá chính xác những thành tựu khoa học của Theophrastus. Nếu như Aristotle viết khoảng 400 đến 1000 cuốn sách và đến nay vẫn lưu giữ được với số lượng khá lớn đủ để làm một tủ sách thì chúng ta chỉ còn lại một vài cuốn của Theophrastus cùng một vài đoạn còn sót lại trong cuốn Vật lý học và Siêu hình học.

Theophrastus - cha đẻ của ngành sinh vật học cổ đại.
Theophrastus - cha đẻ của ngành sinh vật học cổ đại.

Những nghiên cứu gần đây của các học giả đã chứng minh được những cống hiến của Theophrastus thể hiện mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, đáng lưu ý là những hoạt động mang lại nền móng đầu tiên trong ngành sinh vật học của ông đã khiến nền khoa học hiện đại thừa nhận ông là "cha đẻ của ngành sinh thái học thực vật". Ông là một trong số những người đầu tiên trong lịch sử nhân loại có những phác họa chi tiết về giống và loài. Đặc biệt, trong khi Aristotle tin rằng các loài động vật và thực vật được tạo ra "đơn thuần để phục vụ nhu cầu của con người", chúng chỉ để làm thực phẩm, vật liệu xây dựng hoặc đồ dùng cho đời sống con người thì Theophrastus có những suy nghĩ tiến bộ hơn so với thầy của mình theo quan điểm của khoa học hiện đại. Ông nhấn mạnh rằng thực vật có mục đích tồn tại riêng và chúng tồn tại không chỉ để phục vụ và nuôi sống con người.

Lĩnh vực sinh vật học ra đời tại Hy Lạp năm 345 trước Công Nguyên bằng những nghiên cứu thực nghiệm đầu tiên của Theophastus và Aristotle. Vào thời kỳ đó, dù Plato đã mất nhưng triết học duy tâm của ông vẫn thống trị Hy Lạp trong một thời gian dài, chủ nghĩa lý tưởng của ông khẳng định vai trò tuyệt đối của thế giới ý niệm. Ông cho rằng các sự vật, thiên nhiên xung quanh ta là không chân thực, liên tục sinh ra và mất đi, không bền vững và ổn định, thế giới ý niệm có trước và quyết định thế giới cảm biết. Vì vậy thời đó không ai quan tâm đến thế giới tự nhiên, tự nhiên được xếp vào vị trí thứ yếu so với thế giới ý niệm của con người và những vị thần. Không đồng tình với chủ nghĩa của Plato, cả Aristole và Theophrastus đều tin rằng việc nghiên cứu tự nhiên cũng quan trọng như nghiên cứu siêu hình học, chính trị, hay toán học. "Không có gì là quá nhỏ hay không đáng kể. Có gì đó thật đáng ngạc nhiên trong mọi sự sống". Aristole nói: "trong mỗi sinh vật đều có những nét thật tự nhiên và xinh đẹp". Theophrastus và Aristotle đã tiến hành một công việc được coi là khác thường vào thời bấy giờ làm thay đổi cách chúng ta nhìn nhận thế giới tự nhiên. Họ trực tiếp tiến hành khảo sát những sinh vật sống trên đảo Lesbos thuộc Hy Lạp để thiết lập những tri thức nền tảng về trật tự của thế giới tự nhiên.

Rừng Lesbos rất đa dạng và phong phú với hơn 1400 loài và nằm tiếp giáp với khu vực Tiểu Á. Biển ăn sâu vào đất liền, còn gọi là đầm, phá xuyên qua đảo có nhiều loại sinh vật biển. Theophrastus quan sát tất cả và ghi lại một cách tỉ mỉ, cẩn thận. Từ quá trình nghiên cứu, ông đặt ra những câu hỏi mang tính hệ thống như: điểm tương tự là gì? Khác biệt nằm ở đâu? Cái gì nằm bên trong? Chúng được tạo ra như thế nào?

Theophrastus sử dụng những quan sát của bản thân và thu thập thêm thông tin từ những vùng khác. Ông cũng dựa trên những báo cáo ghi chép của Alexander Đại Đế, vị vua vĩ đại trở về từ cuộc chiến tại Ấn Độ để nghiên cứu về các giống cây nhiệt đới như: bông, hạt tiêu, quế, trầm hương, cây đa... Ông mô tả hơn 500 loài cây một cách chi tiết nhất và nghĩ cách để phân loại chúng. Nhưng phân loại theo cách nào? Chia ra theo cây trồng và thực vật hoang dã? Hay các loài cây dưới nước và trên cạn giống như Aristotle đã phân chia vương quốc của các loài động vật? "Các loài cây rất phong phú và đa dạng, nhưng thật khó để có thể miêu tả chúng một cách có hệ thống", từ nhận định này ông đi đến kết luận: "phân loại chính là mấu chốt trong nghiên cứu". Cuối cùng, ông phân chia thế giới thực vật theo 4 nhóm dựa theo sự phát triển của chúng gồm: nhóm cây thẳng, cây bụi, cây bụi thấp và cây thân thảo. Ông là người đầu tiên nghĩ đến việc phân loại các loài cây. Và cách phân loại dựa trên sự sinh trưởng của thực vật do ông đề xướng cũng là cách được các nhà sinh vật học hiện đại áp dụng.

Công trình của Theophrastus có một ý nghĩa lớn lao vào thời kỳ bấy giờ.
Công trình của Theophrastus có một ý nghĩa lớn lao vào thời kỳ bấy giờ.

Theophrastus cũng nhận ra mối quan hệ giữa thực vật và môi trường sống của chúng. Ông viết: "Môi trường sống là rất quan trọng, bởi vì thực vật bị ràng buộc với môi trường". Chúng không thể "tự do rời khỏi địa điểm sinh sống giống như động vật". Ông giải thích rằng một loài cây sẽ sinh trưởng tốt nhất khi phát triển trong "môi trường thuận lợi". Theophrastus cũng nghiên cứu về đất, độ ẩm, nhiệt độ, gió và ánh sáng. Theophrastus quan tâm đến sự tương tác giữa các loài cây và nhận thấy cây ô liu, cây mía, và cây thông phát triển mạnh khi trồng cùng nhau nhưng cây hạnh nhân thì lại chậm lớn. Ông để ý rằng cây cối thường cao và thẳng khi chúng đứng cạnh nhau. Ông ghi chép về hiện tượng chim giẻ cùi chôn hạt dẻ, giúp hạt nảy mầm và cây tầm gửi "sống phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng từ các loài cây khác".

Những công trình của Theophrastus có một ý nghĩa lớn lao vào thời kỳ bấy giờ, ông đi tiên phong trong lĩnh vực sinh vật học dựa trên khoa học thực nghiệm, những kiến thức của ông đã hỗ trợ và mang lại những hiệu quả rõ rệt cho nông nghiệp và mùa màng bằng những cơ sở khoa học thay vì thói quen trông chờ vào những vị thần trên đỉnh Olympus của người Hy Lạp cổ đại.

Theophrastus đã cố gắng gạt bỏ tấm màn mê tín dị đoan để hiểu về thế giới tự nhiên. Ông ra sức phản đối việc con người cầu xin hướng dẫn từ thần thánh và các vì tinh tú khi mùa màng thất bát: "Con người không nên nhận lệnh từ những vì sao mà nên tìm hiểu từ những loài cây, cành ghép và hạt giống" ông cũng bác bỏ những truyền thuyết được coi như là "chân lý tuyệt đối".

Khi Theophrastus qua đời ở tuổi 85, bằng những đóng góp của mình, ông đã khiến người dân Athens vô cùng thương tiếc, họ đã cùng nhau tổ chức tang lễ để đưa tiễn ông. Suốt cuộc đời mình, Theophrastus tin rằng thiên nhiên và những khu vườn là vị thầy của con người. Khi mất đi, ông để lại khu vườn của mình cho bạn bè với hi vọng "họ sẽ sử dụng nó như một vùng đất thiêng liêng để nghiên cứu mở mang kiến thức và giữ gìn tinh thần học hỏi".

Cập nhật: 19/08/2016 Theo tiasang
  • 2.632