Truyền thuyết về quái thú hút máu

  •   4,86
  • 17.306

Chupacabra, theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "con quỷ hút máu dê" - một sinh vật bí ẩn được cho là xuất hiện lần đầu tiên tại Puerto Rico năm 1995.

>>> Sự thật về quỷ hút máu Chupacabra

Huyền thoại về quái thú chupacabra chuyên hút máu dê lan truyền khắp các quốc gia châu Mỹ và thậm chí lan đến nước Nga, Ukraina và cả Philippines. Con vật này được cho là thuộc loài hữu nhũ họ chó, to cỡ con gấu nhỏ. Trước những thông tin từ nhiều phía, các nhà sinh vật học và giới chức quản lý đời sống hoang dã đã cố gắng điều tra nhưng cuối cùng vẫn không tìm được bằng chứng tin cậy về sự tồn tại của loài quái thú này.

Truyền thuyết về quái thú hút máu
Đầu của một con vật mà người dân địa phương gọi là Chupacabra tại thành phố Cuero, bang Texas, Mỹ. (Ảnh: AP)

Câu chuyện bắt đầu vào tháng 3/1995 ở Puerto Rico. 8 con cừu được phát hiện chết vì vết thương sâu nơi vùng cổ và hoàn toàn cạn kiệt máu. Vài tháng sau, Madelyne Tolentino trình báo với chính quyền địa phương rằng bà đã nhìn thấy một sinh vật lạ ở thành phố Canovanas của Puerto Rico và cho là "hung thủ" giết chết 150 gia súc địa phương.

Theo mô tả của bà Tolentino, con thú cao từ 1,2 đến 1,5m, mắt đỏ giống người ngoài hành tinh, móng vuốt dài và trên lưng có nhiều gai nhọn. Năm 1975, những vụ việc tương tự xảy ra ở thị trấn Moca góp phần cho lời đồn đại về “El Vampiro de Moca" (ma cà rồng ở Moca). Ban đầu, người ta chỉ nghi ngờ những vụ súc vật bị giết chết là do nghi thức của một giáo phái Satan. Về sau, những cái chết xảy ra ngày càng nhiều trên đảo Puerto Rico với dấu tròn trên thân mình súc vật bị cạn kiệt máu.

Diễn viên kiêm doanh nhân Silverio Perez ở Puerto Rico là người đặt tên cho quái thú là chupacabra sau nhiều vụ súc vật chết đầu tiên đăng tải trên báo chí. Sau đó, hàng loạt vụ xuất hiện của chupacabra diễn ra ở các nước khác như Cộng hòa Dominica, Argentina, Bolivia, Colombia, Honduras, El Salvador, Nicaragua, Panama, Peru, Brazil, Chile, Mỹ và Mexico.

Sự mô tả phổ biến nhất về chupacabra cho biết quái thú nhảy cách khoảng như con kangaroo. Ít nhất có một nhân chứng cho biết con thú nhảy cao đến 6m, có lưỡi dài như cái nĩa và những chiếc răng nanh to. Một số nhân chứng mô tả quái thú có đôi mắt màu đỏ rực kỳ dị, thân mình không có lông và có móng vuốt.

Không giống như các loài dã thú thông thường, chupacabra được cho là chỉ hút máu súc vật sau khi dùng răng tạo ra 2 cái lỗ nhỏ. Nhưng, trong một nghiên cứu Benjamin Radfort - biên tập tạp chí Skeptical Inquirer và tác giả cuốn sách "Truy tìm Chupacabra: Sự thật, huyền thoại và truyền thuyết về quái thú hút máu" - kết luận sự mô tả của nhân chứng Madelyn Tolentino ở Puerto Rico dựa theo sinh vật ngoài hành tinh gọi là Sil trong bộ phim kinh dị khoa học viễn tưởng "Species" (Các loài) mà bà xem trước đó. Ngoài ra, Redford nhấn mạnh những vụ súc vật bị hút máu đến chết vẫn chưa được khẳng định qua khám nghiệm xác chết.

Cuối tháng 10/2010, nhà sinh học Barry O'Connor ở Đại học Michigan, Mỹ nhận định, tất cả những báo cáo về "chupacabra" ở Mỹ thật ra đơn giản chỉ là loài sói đồng cỏ (tên Latinh là Canis latrans, nhỏ hơn chó sói) bị ghẻ lở khắp mình do nhiễm ký sinh trùng Sarcoptes scabiei nên rất yếu đuối. Sói đồng cỏ này tương tự như những mô tả về chupacabra: ít lông, da dày và bốc mùi hôi khủng khiếp.

Theo lý giải của O'Connor, quái thú thường tấn công dê: "bởi vì chúng không có khả năng tự vệ, dễ săn bắt hơn những loài chạy nhanh như thỏ hay hươu. Sói đồng cỏ có thể tấn công con mồi nhưng không ăn thịt và nạn nhân của chúng sẽ chết vì xuất huyết nội hay sốc tuần hoàn máu”.

Chuyên gia vào cuộc

Tháng 7/2004, một chủ trại gia súc gần San Antonio, bang Texas, Mỹ giết chết một con thú giống như chó tấn công thú nuôi của trại. Con thú này về sau được xét nghiệm ADN và kết luận đó là sói đồng cỏ mắc bệnh ghẻ lở do ký sinh trùng. Vài tháng sau, thêm hai xác thú được tìm thấy cùng khu vực và các nhà sinh học Đại học Texas kết luận đó là sói đồng cỏ bị ghẻ lở nặng.

Tháng 4/2006, tờ MosNews của Nga đưa tin những con chupacabra phát hiện ở nước này lần đầu tiên. Các nhân chứng ở miền Trung nước Nga cho biết, con thú giết hàng chục con gà tây và cừu rồi hút máu. Sự việc kỳ lạ trên đã thúc giục các chuyên gia vào cuộc.

Truyền thuyết về quái thú hút máu
Truyền thuyết về chupacabra được mô tả qua tranh vẽ.

Theo nhà nghiên cứu về những hiện tượng huyền bí của Nga - Vadim Chernobrov - vùng đất được cho là chupacabra thường xuất hiện nằm ở thành phố Kharkov của Ukraina và những vùng lân cận của Nga, kể cả nhiều khu vực ở Belarus và Ba Lan. Sau đó, có tin những cuộc tấn công tương tự như của chupacabra xảy ra ở thành phố Moskva của Nga - hàng chục gia súc bị hút hết máu với những vết cắn kỳ lạ. Ngoài ra, có ít nhất hai lần quái thú bí ẩn được người Nga mô tả giống như kangaroo với cái đầu cá sấu đã tấn công người song không gây thương tích nặng.

Tháng 8/2006, một người đàn ông tên là Michelle O'Donnell sống ở Turner, bang Maine (Mỹ), mô tả một con quái thú có răng nanh giống như chó nằm chết bên vệ đường. Con thú có lẽ bị xe tông và chưa được xác định rõ ràng do chim kền kền đã "dọn sạch" nó. Những bức ảnh chụp con thú được công bố rộng rãi sau đó cho thấy nó không giống chó hay sói trong khu vực.

Tháng 8/2007, bà Phylis Canion sống ở Cuero, bang Texas và những người láng giềng phát hiện xác ba con thú lạ ở gần nhà bà. Sau đó, Canion chụp hình ba con thú và giữ đầu một con trong tủ lạnh trước khi đưa đi xét nghiệm ADN. Canion cho biết gần 30 con gà trong trại nuôi của bà bị chết do mất máu trong nhiều năm - một yếu tố khiến Canion kết nối xác của ba con thú với truyền thuyết về chupacabra.

Nhưng chuyên gia X-quang John Young kết luận con thú trong bức ảnh chụp của Canion thật ra là loài cáo xám Mỹ mắc bệnh ghẻ lở rất nặng. Nhưng, qua xét nghiệm ADN, các nhà sinh học Đại học San Marcos xác định con thú đó là sói đồng cỏ. Tuy nhiên, giống sói đồng cỏ này khác ở chỗ nó có màu da xanh xám, không lông và có răng nanh to.

Ngày 8/8/2008, Phó cảnh sát trưởng Brandon Riedel ở hạt DeWitt, bang Texas, tình cờ quay phim một con vật lạ đang chạy trên đường gần Cuero bằng camera hành trình trên ôtô. Con thú to cỡ con chó sói nhưng không có lông, mõm dài và hai chân trước ngắn hơn hai chân sau. Tuy nhiên, Cảnh sát trưởng Jode Zavesky cho rằng con thú cùng loài với sói đồng cỏ được xác định bởi các nhà nghiên cứu ở Đại học San Marcos vào tháng 11/2007. Đoạn phim video sau đó được đưa vào loạt phim truyền hình có tên gọi "Thật hay giả: Hồ sơ về những sự việc huyền bí".

Tháng 9/2009, Đài truyền hình CNN của Mỹ cho phát một đoạn phim video cho thấy hình ảnh cái đầu của một con thú lạ và mọi người nghi ngờ đó có thể là chupacabra. Tháng 7/2010, các nhân viên kiểm soát động vật ở hạt Hood, bang Texas, báo cáo đã bắn chết con thú lạ nhưng khi xét nghiệm ADN kết luận đó là chó sói lai có dấu hiệu mắc bệnh ghẻ lở và có ký sinh trùng bên trong cơ thể.

Ngày 18/12/2010, ông Mark Cothren ở hạt Nelson, bang Kentucky, bắn chết một con thú lạ và chụp hình gửi đến các tờ báo. Theo những bức ảnh của Cothren, con thú có hai tai to, đuôi dài và chỉ to cỡ con mèo nhà. Xác con thú được Cothren chuyển giao cho Viện Nghiên cứu cá và tài nguyên hoang dã Kentucky để tiến hành phân tích ADN. Câu chuyện gần đây nhất xảy ra vào ngày 4/7/2011, lúc đó một người dân tên là Jack Crabtree sống ở hồ Jackson thuộc bang Texas bắt gặp một con thú kỳ quái ở vườn sau nhà và tin đó là chupacabra trong truyền thuyết.

Câu chuyện của Jack Crabtree sau đó được đưa tin trên các đài truyền hình Mỹ CNN và MSNBC. Phóng viên Ed Lavandera của CNN mô tả chupacabra là "Bigfoot (Chân to) của văn hóa Mỹ Latinh" và nhận định "Chupacabra cũng là biểu tượng cho nỗi sợ hãi bất cứ thứ gì không tồn tại". Sau vụ việc liên quan đến quái thú hút máu ở Cuero, truyền thuyết về chupacabra nhận được sự chú ý của cả thế giới.

Chupacabra bước vào làng giải trí

Cuối cùng, chupacabra trở thành đề tài khai thác cho làng giải trí và một số cuốn sách do sức lan tỏa quá mạnh của quái thú hút máu. Một số cuốn sách cung cấp sự giải thích khoa học cho hiện tượng trong khi số khác chú trọng khai thác khía cạnh huyền bí của quái thú để thu hút người đọc hiếu kỳ. Chupacabra cũng xuất hiện trong một số bộ phim như là “Scooby-Doo và Quái thú ở Mexico”, “Chupacabra: Dark Seas”...

Thậm chí, ban nhạc rock Super Frry Animals cũng có một bài hát mang tên "Chupacabras" trong album "Radiator" năm 1997. Trong loạt phim "The X-Files" có một phần dành cho đề tài chupacabra. Quái thú hút máu còn xuất hiện trong video game "Red Dead Redemption: Undead Nightmare". Loạt phim hoạt hình Negima cũng được mô tả nhiều lần quái thú chupacabra. Các chương trình truyền hình như "The Walking Dead""Ugly Americans" cũng khai thác đề tài chupacabra.

Không chỉ có thế, chupacabra còn được khai thác mạnh để kinh doanh ăn theo như là các tranh ảnh, vật lưu niệm hay áo thun có in hình quái thú. Thậm chí, một công ty du lịch Mỹ còn giới thiệu sản phẩm thú vị gọi là "du lịch Mỹ Latinh săn quái thú chupacabra" và dĩ nhiên những du khách có máu phiêu lưu mạo hiểm ùn ùn kéo đến đăng ký tham gia.

Theo ANTG
  • 4,86
  • 17.306