Cá vây tay sinh sống trên Trái Đất từ 400 triệu năm trước nhưng đang bị đe dọa bởi ô nhiễm rác thải nhựa.
Cá vây tay, loài cá được ví như "hóa thạch sống" đang phải đối mặt với rác đại dương. Hiệp hội hành tinh xanh, tổ chức hoạt động vì môi trường ở Anh, chia sẻ ảnh chụp một con cá vây tay có túi rác mắc kẹt trong ruột hôm 8/8. Theo tổ chức này, bức ảnh do ngư dân Indonesia chụp vào năm 2016 nhưng trước đó không được chia sẻ rộng rãi, IFL Science đưa tin.
Con cá vây tay chết với túi nhựa trong bụng. (Ảnh: Twitter).
Cá vây tay nằm trong số những loài cá kỳ lạ nhất sống dưới biển sâu. Loài cá xấu xí này gần như không thay đổi trong 400 triệu năm qua, có mặt trên Trái Đất hơn 160 triệu năm trước khi con khủng long đầu tiên xuất hiện. Các nhà nghiên cứu từng cho rằng cá vây tay đã tuyệt chủng hàng triệu năm trước khi phát hiện chúng bơi ở vùng nước sâu tại Ấn Độ Dương ngoài khơi Nam Phi năm 1938.
Cá vây tay Indonesia, một trong hai loài cá vây tay còn sinh sống, nằm trong danh mục loài dễ tổn thương trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Các chuyên gia bảo tồn ước tính chỉ còn 10.000 cá thể trưởng thành trong tự nhiên. Dù không có giá trị về mặt thực phẩm, chúng rất dễ bị ngư dân bắt nhầm. Do lịch sử lâu đời và hình dáng xấu xí, cá vây tay thường được săn tìm để bán cho thủy cung nhưng mẫu vật thường không thể sống lâu trong môi trường nuôi nhốt.
Rác thải nhựa được tìm thấy ở những địa điểm xa xôi nhất trên thế giới, từ rãnh đại dương Mariana ở độ sâu gần 11.000 mét bên dưới mức nước biển đến băng Nam cực. Đặc biệt, những hạt vi nhựa có thể bị hấp thụ vào cơ thể người. Rác thải nhựa không tự phân hủy và có thể tồn tại hàng chục, thậm chí hàng trăm năm.