Vách đá cao 20 tầng phủ đầy dấu chân khủng long

  •  
  • 487

Một vách đá cao 66m ở Alaska có vô số dấu chân khủng long kỷ Phấn Trắng bao phủ, trong đó có khủng long bạo chúa.

Các nhà nghiên cứu phát hiện bề mặt một vách đá cao 20 tầng phủ đầy dấu chân hóa thạch của hàng chục con khủng long, giống như thể những sinh vật cổ đại thách thức trọng lực để đi lại khắp mặt đá. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự là quá trình địa chất, Live Science hôm 17/8 đưa tin.

 Bề mặt phủ đầy dấu chân khủng long của vách đá ở Denali.
Bề mặt phủ đầy dấu chân khủng long của vách đá ở Denali. (Ảnh: Patrick Druckenmiller)

Vách đá nằm trong Vườn quốc gia và khu bảo tồn Denali, hiện nay cao 66 m. Nhưng cách đây khoảng 70 triệu năm, vào cuối kỷ Phấn Trắng, vách đá này là trầm tích bùn lầy nhiều khả năng bao quanh một hố nước giữa bãi bồi rộng lớn. Điều đó giúp giải thích nhiều loại dấu chân khủng long đa dạng trên mặt vách đá, bao gồm con non và con trưởng thành của nhiều loài khủng long có sừng và mỏ vịt ăn cỏ, khủng long ăn thịt như raptor, bò sát bay và ít nhất một con khủng long bạo chúa.

Rất lâu sau khi khủng long để lại dấu chân trong khu vực, con đường mòn bị nâng lên và đổ về một bên khi mặt đất dồn về phía trước trong một vụ va chạm mảng kiến tạo, tương tự nắp capô xe bị vênh dưới lực tác động. Hoạt động kiến tạo nằm trong biến động địa chất tạo ra dãy Alaska dài 966km gần vườn quốc gia Denali, theo Cơ quan Vườn quốc gia.

Nhóm nghiên cứu đặt tên cho khu vực là "The Coliseum" do sự đa dạng của khủng long ở mép nước. Họ công bố phân tích về vách đá trên tạp chí Historical Biology. Vách đá là một phần của vỉa đá lớn cách con đường gần nhất 7 giờ đi bộ. Trước đây, các nhà nghiên cứu khác từng phát hiện loạt dấu chân ở chân vách đá nhưng bỏ sót tổ hợp phức tạp ở bên trên, chủ yếu do phần lớn hóa thạch bị trầm tích lấp đầy. Khi được ánh sáng Mặt Trời rọi qua ở góc độ thích hợp, những dấu chân trở nên rõ ràng hơn nhiều, theo trưởng nhóm nghiên cứu Dustin Stewart, nhà cổ sinh vật học ở công ty Paleo Solutions.

Kiểm tra kỹ hơn, nhóm nghiên cứu nhận thấy dấu chân cực kỳ chi tiết và đẹp mắt, có thể thấy rõ hình dạng ngón chân và kết cấu da. Ngoài ra, vách đá cũng chứa thực vật, phấn hoa, động vật có vỏ và dấu chân chim lội nước. Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện sẽ giúp họ phác thảo bức tranh chi tiết về hệ sinh thái 70 năm trước.

Cập nhật: 19/08/2023 VnExpress
  • 487