Vải sữa - chất liệu bị lãng quên gần 70 năm đang tái sinh

  •  
  • 1.460

Chất liệu làm nên dòng áo Heattech nổi tiếng của Uniqlo từng được sử dụng trên trang phục của quân đội Mỹ những năm 1940.

Theo Atlasobscura, những năm gần đây vải sữa dần được ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thời trang.

Qmilch - công ty chuyên sản xuất quần áo từ casein (protein tự nhiên thường được tìm thấy trong sữa các loại động vật có vú) - ra đời ở Đức vào năm 2011. Dưới sự dẫn dắt của nhà thiết kế kiêm nhà khoa học Anke Domaske, Qmilch ra mắt những chiếc váy có giá từ 200 đến 230 USD (khoảng 4,5 đến 5,2 triệu đồng). Mỗi chiếc váy được làm từ khoảng 6 lít sữa.

Anke Domaske cho biết ý tưởng làm váy từ protein trong sữa đến khi cô đang cố tìm chất liệu may đồ không chứa chất độc hại cho bố dượng mắc ung thư. "Chất liệu này được làm ra từ những năm 1930 nhưng thời đó, vải vẫn chứa nhiều chất hóa học và phải trải qua quá trình sản xuất quá phức tạp. Tôi đưa ra được khâu sản xuất đơn giản hơn, lại dùng ít chất hóa học hơn", Anke nói.

Anka Domaske là người đưa công nghệ sản xuất vải sữa ra đời những năm 1930 trở lại.
Anka Domaske là người đưa công nghệ sản xuất vải sữa ra đời những năm 1930 trở lại. (Ảnh: Ecouterre).

Ngoài Qmilch, Anke Domaske mở thêm thương hiệu thời trang cao cấp ở Mỹ là Mademoiselle Chi Chi. Thương hiệu này cũng sản xuất quần áo từ vải sữa và được các ngôi sao Hollywood như Mischa Barton, Ashlee Simpson yêu thích. Hiện tại, Mademoiselle Chi Chi kết hợp loại vải này với các chất liệu khác nhau để làm trang phục. Trong tương lai, thương hiệu dự định sản xuất đồ hoàn toàn bằng vải sữa như Qmilch.

Hãng Uniqlo vốn quen thuộc với các thiết kế phổ thông cũng đưa vải làm từ sữa vào dòng sản phẩm Heattech.

Theo chia sẻ của nhà thiết kế Anke Domaske trên Reuters, loại vải sữa mới tạo cảm giác như đang mặc lụa thật, không có mùi khó chịu và dễ dàng giặt ủi. Bên cạnh đó, protein bao gồm các chuỗi amino axit có khả năng kháng khuẩn và ngăn ngừa lão hóa. Chất liệu còn giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể cũng như tuần hoàn máu. Giá thành sản xuất vải sữa cũng rẻ hơn nhiều so với lụa truyền thống.

Sự trở lại của vải sữa trong thời gian gần đây được giới chuyên môn kỳ vọng nó trở thành chất liệu của tương lai. Anke được Hiệp hội nghiên cứu chất liệu của Đức trao cho giải thưởng sáng tạo. Hiệp hội cho biết đây là loại sợi bền vững có thể thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp may mặc.

"Khi xã hội ngày càng quan tâm đến việc tái sử dụng, vải sữa có thể là một biện pháp không tồi. Biết đâu, tương lai của chúng ta lại phải nhờ vào quần áo làm từ sữa", Michael Waters - cây bút của Atlasobscura đặt vấn đề.

Ý tưởng biến sợi protein từ sữa thành vải manh nha từ năm 1904 đến 1909, trong công trình nghiên cứu của nhà hóa học Đức - Frederick Todtenhaupt. Công trình của ông thất bại, nhưng tạo niềm tin cho những người theo chủ nghĩa vị lai (vứt bỏ truyền thống và tán dương thế giới hiện đại) - trào lưu do Filippo Tommaso Marinetti khởi xướng ở Italy năm 1910, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực nghệ thuật, bao gồm thời trang.


Quy trình sản xuất vải từ sữa.

Nghiên cứu của tờ Atlasobscura cho biết vải len thực chất được cấu thành bởi protein. Trong khi đó, thành phần chính của sữa lại có casein, cũng là một loại protein. Ở cấp độ phân tử, chúng có điểm tương đồng. Nhiệm vụ đặt ra cho các nhà khoa học là phải tìm cách xử lý casein sao cho sản phẩm cuối cùng có đặc tính tương tự len.

Năm 1930, kỹ sư Antonio Ferretti hoàn thiện quy trình sản xuất vải sữa. Năm 1935, SNIA - công ty sản xuất chất liệu nhân tạo hàng đầu của Italy lúc đó - có được bằng sáng chế về lanital (vải len tổng hợp dệt từ sợi protein trong sữa). "Lanital" được ghép bởi hai từ gồm "lana" trong tiếng Italy nghĩa là len và "ital" từ chữ "Italy".

Trên Time, kỹ sư Antonio Ferretti chia sẻ quy trình sản xuất lanital như sau: Ban đầu, các nhà khoa học cho axit vào sữa tách béo để lọc ra casein. Sau đó, họ tiếp tục xử lý để casein tạo thành một khối sền sệt thống nhất. Tiếp theo, thành phẩm lại được ép qua các thùng máy rồi được đông cứng trong bồn chứa chất hóa học và cuối cùng là cắt nhỏ thành sợi dệt.

Lanital ra đời tạo nên bước đột phá trong ngành chất liệu may mặc Italy.Từ năm 1935 đến 1937, 4,5 triệu kg lanital được sản xuất, trở thành một trong những loại vải phổ biến nhất Italy.

The Children's Newspaper cho biết vải len sữa đã thâm nhập vào từng bộ suit, chiếc váy, phụ kiện, thậm chí đến cả cờ hay các banner treo khắp nước này. British Pathé - nhà sản xuất phim tài liệu nổi tiếng ở Anh lúc đó - ca tụng: "Trong tương lai, con người có thêm lựa chọn với sữa, hoặc là uống nó, hoặc là mặc nó". Karen Pinkus - giáo sư Văn học ở Đại học Cornelle, New York, Mỹ - nhận định lanital là "nỗi ám ảnh của chế độ Benito Mussolini".

Nhà máy sản xuất vải từ sữa tại Italy trong thập niên 1930.
Nhà máy sản xuất vải từ sữa tại Italy trong thập niên 1930. (Ảnh: Atlasobscura).

Không chỉ tạo đột phá trong ngành may mặc, lanital còn giúp Italy giải quyết bài toán lãng phí. Giống nhiều quốc gia khác, Italy từng phải bỏ hàng trăm triệu lít sữa tách béo một năm vì không dùng đến. Nhưng từ khi công nghệ sản xuất lanital ra đời, quốc gia này tìm được cách tận dụng tối ưu nguồn tài nguyên đang có và tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ. Khoảng 45 lít sữa, người ta thu được 1,68 lít casein để làm vải.

Cuối những năm 1930 và đầu 1940, công ty SNIA bắt đầu quảng bá vải sữa ra toàn thế giới. Hãng đã bán bằng sáng chế cho các nước như Hà Lan, Ba Lan, Đức, Bỉ, Nhật, Pháp, Canada, Czechoslovakia (Tiệp Khắc), Anh.

Tuy vậy, Mỹ - thị trường lớn mà công ty này khao khát - ban đầu không mấy mặn mà. Thời đó, Mỹ mới sử dụng casein vào khâu sản xuất các vật phẩm như hồ, cúc áo, lược, sơn máy bay, phím đàn piano hay giấy...

SNIA "tiêm nhiễm" cho người Mỹ ứng dụng casein vào ngành công nghiệp thời trang. Họ nhờ Marguerite Caetani - nhân vật nổi tiếng từng làm báo tại Mỹ - quảng bá trang phục từ vải sữa lanital ở New York. Mona Bismarck - nhân vật từng được Chanel bình chọn là "Người phụ nữ mặc đẹp nhất thế giới" - cũng được mời diễn váy làm từ lanital trước quan khách Mỹ.

Vải sữa được kỳ vọng là chất liệu của ngành công nghiệp thời trang trong tương lai.
Vải sữa được kỳ vọng là chất liệu của ngành công nghiệp thời trang trong tương lai. (Ảnh: Designswan).

Đến năm 1941, người Italy bán được công nghệ làm vải từ sữa cho Mỹ. Một nhóm nghiên cứu của Liên minh nghiên cứu Đại Tây Dương - thuộc Tổng công ty sữa quốc gia (Mỹ) - bắt đầu sản xuất lanital nhưng đặt tên khác là "aralac" ("ARA" là viết tắt của American Research Associates còn "lac" là sữa theo tiếng Latin).

Toàn bộ bức tranh thời trang ở New York nhuốm màu vải sữa của Italy. Năm 1944, tờ Life đưa tin: "Đại bộ phận công dân Mỹ không biết rằng quần áo họ đang mặc đều làm từ sữa tách béo". Thậm chí, khi Mỹ tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai, vải sữa còn được trộn với rayon (lụa nhân tạo làm từ chất xơ cellulose) để làm mũ cho quân lính. Aralac tiếp đó được ứng dụng để làm áo khoác, suit lẫn váy vóc cho quân đội Mỹ.

Thời hoàng kim của vải sữa không kéo dài lâu. Dù có tiếng "sang chảnh" hơn vải len truyền thống, lanital lại không có được độ bền chắc bằng. Vải sữa dễ bị hỏng khi là ủi. Nhiều khách hàng phàn nàn về việc khi bị ẩm, lanital có mùi giống sữa bị lên men, rất khó chịu.

Năm 1948, Mỹ "đóng cửa" sản xuất chất liệu may mặc này. Không lâu sau, SNIA chuyển hướng tập trung sang các sản phẩm tổng hợp khác. Trên thị trường, hàng loạt sản phẩm nhân tạo có giá rẻ hơn bắt đầu tràn lan. Đó là lý do một thời gian dài, lanital rơi vào quên lãng.

Cập nhật: 04/08/2017 Theo VnExpress
  • 1.460