Vai trò của cảm biến lactate có trong sinh lý học thể thao

  •  
  • 179

Ngày càng có nhiều thiết bị đeo tay cảm biến lactate nhằm hỗ trợ cho quá trình tập thể thao.

Tuy nhiên, công nghệ này đã làm dấy lên nhiều tranh luận về tính hữu ích trong việc theo dõi mồ hôi trong tập luyện. Theo một bài báo trên ACS Sensors - tạp chí của Hiệp hội Hóa học Mỹ, các chuyên gia đang tập trung vào việc liệu công nghệ này có thể cải thiện hiệu suất trong khi ngăn ngừa chấn thương cho người tập không.

Nhiệt độ và độ pH thường ảnh hưởng đến các số đọc điện hóa của lactate.
Nhiệt độ và độ pH thường ảnh hưởng đến các số đọc điện hóa của lactate.

Đồng tác giả của bài báo là Gaston Crespo và Maria Cuartero - Trợ lý Giáo sư tại Học viện Công nghệ Hoàng gia KTH (Thụy Điển). Hai nhà nghiên cứu cho biết, công nghệ cảm biến lactate được quảng cáo là có thể xác định trong thời gian thực liệu một vận động viên đang gắng sức quá nhiều hay ít. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy.

“Không có đủ bằng chứng về mối liên hệ giữa hiệu suất thể thao và nồng độ lactate. Người ta cũng thiếu hiểu biết về mối liên hệ giữa lactate trong mồ hôi và lactate trong máu, cũng như mối liên hệ với các dấu ấn sinh học khác”, ông Crespo giải thích.

Lactate, hoặc axit lactic, là một sản phẩm phụ của quá trình hô hấp kỵ khí, khi các tế bào cơ chuyển hóa glucose thành năng lượng mà không cần oxy. Việc lấy mẫu máu của vận động viên giúp các nhà khoa học và huấn luyện viên thể thao đánh giá tình trạng hoạt động cũng như thể lực của người tập.

Theo các nhà nghiên cứu, chưa có phương pháp tiếp cận nào được chấp nhận rộng rãi để thu thập và phân tích mồ hôi, cung cấp dữ liệu đáng tin cậy để xác định mối tương quan giữa lactate mồ hôi và lactate trong máu.

Bài báo đưa ra phân tích về trạng thái hiện tại của các cảm biến điện hóa lactate được tích hợp trong thiết bị đeo được. Đồng thời, liệt kê các tính năng chính cần được cải thiện hoặc thay đổi để đạt được thành công trong công nghệ.

Nhiệt độ và độ pH thường ảnh hưởng đến các số đọc điện hóa của lactate. Từ đó, dẫn đến các phép đo thấp hơn nhiều so với mong đợi. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã phát triển một cách để cô lập lactate trong mồ hôi bằng cách sử dụng một lớp polymer được thiết kế đặc biệt ở phần bên ngoài của cảm biến.

Polymer khiến enzym trong cảm biến không phản ứng với bất cứ thứ gì ngoài lactate. Đồng thời, cho phép cảm biến đọc nồng độ lactate cao hơn so với các cảm biến điện hóa thường làm.

Nhà nghiên cứu Crespo cho biết, công nghệ này đang được phát triển thông qua một công ty mới - IDRO BV. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tại Đại học Dalarna (Thụy Điển) đang sử dụng công nghệ này để tiến hành các bài kiểm tra trên cơ thể.

Trong đó, các phép đo máu và mồ hôi tương quan với thành tích thể thao của các vận động viên. Ngoài ra, các mẫu mồ hôi được thu thập để xác nhận về hiệu suất của cảm biến.

Cập nhật: 30/10/2021 Theo GD&TĐ
  • 179