Vận chuyển kính viễn vọng 10 tỷ USD bằng "valy" khổng lồ

  •   4,73
  • 820

Để đưa kính viễn vọng không gian lớn nhất thế giới vượt quãng đường hàng nghìn kilomet, NASA phải dùng tới một container đồ sộ có thiết kế đặc biệt.

Kính viễn vọng James Webb (JWST) tới Guiana, vùng lãnh thổ thuộc Pháp, hôm 12/10 sau hành trình 16 ngày dài 2.400 km, sử dụng xe tải, sà lan và tàu biển cỡ lớn để đi qua kênh đào Panama. JWST sẽ phóng vào không gian từ cơ sở ở Nam Mỹ này. NASA chia sẻ hình ảnh phía sau quá trình vận chuyển kính viễn vọng.

JWST thực hiện hành trình sau khi đóng gói trong "valy", một container đặc biệt khổng lồ có tên gọi chính thức là Phương tiện vận chuyển kính viễn vọng không gian qua đường hàng không, đường bộ và đường thủy (STTARS). Theo NASA, container tùy chỉnh này được thiết kế để chịu mọi điều kiện khắc nghiệt hoặc phát sinh đột ngột mà JWST có thể gặp phải trên đường. STTARS nặng 76.000 kg và dài 33,5 m. Các kỹ sư NASA gập JWST theo kiểu origami để đặt vừa bên trong container và chuẩn bị cho buổi phóng.

Video do NASA chia sẻ hé lộ quá trình đưa kính viễn vọng vào valy ở nhà máy của Northrop Grumman tại California và chuyển tới bến tàu hôm 24/9. Đội vận chuyển thậm chí kiểm tra ổ gà dọc đường để đảm bảo kính viễn vọng cực nhạy không bị xóc nảy. Video thứ hai cho thấy quá trình phức tạp để chuyển kính viễn vọng tới tàu chở hàng đi dọc kênh đào Panama. Lộ trình được hoạch định để tránh những vùng biển động.

Các kỹ sư đưa kính James Webb vào container.
Các kỹ sư đưa kính James Webb vào container.

JWST là dự án hợp tác giữa NASA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Vũ trụ Canada, dự kiến phóng trên tên lửa Ariane 5 từ cảng vũ trụ châu Âu hôm 18/12 sau nhiều năm trì hoãn. Dù vậy, hệ thống vẫn cần trải qua hai tháng chuẩn bị. JWST trang bị công nghệ giúp nhìn ngược quá khứ và tìm hiểu nguồn gốc của vũ trụ. Nếu tất cả thuận lợi, JWST sẽ hoạt động đồng thời với kính viễn vọng không gian Hubble đã cũ kỹ.

Cập nhật: 14/10/2021 Theo VnExpress
  • 4,73
  • 820