Văn hóa Sa Huỳnh được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt

  •  
  • 312

Văn hóa Sa Huỳnh có giá trị lịch sử độc đáo, hình thành, phát triển ngay trên dải đất miền Trung, được Thủ tướng quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.

Lễ hội cầu ngư mừng đón năm mới ở làng chài Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi).
Lễ hội cầu ngư mừng đón năm mới ở làng chài Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). (Ảnh: Minh Hoàng).

Ngày 30/12, Thủ tướng quyết định xếp hạng di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) là di tích quốc gia đặc biệt.

Nằm cách TP Quảng Ngãi khoảng 45 km về phía nam, quần thể di tích Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ) nằm sát tuyến quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam. Quần thể di tích văn hóa Sa Huỳnh gồm 5 điểm, trải rộng trên diện tích 480 ha với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như đầm An Khê, Phú Khương, Long Thạnh, Thạnh Đức, làng cổ Gò Cỏ... phân bố liên tục trong không gian đầm, biển, cồn cát Sa Huỳnh.

Đầm nước ngọt An Khê, nơi được ví là trái tim của di tích văn hóa Sa Huỳnh. (
Đầm nước ngọt An Khê, nơi được ví là trái tim của di tích văn hóa Sa Huỳnh. (Ảnh: Minh Hoàng).

Đầm nước ngọt An Khê được ví là trái tim của di tích văn hóa Sa Huỳnh. Năm 1909, nhà khảo cổ học người Pháp, M.Vinet, lần đầu phát hiện bên bờ biển Sa Huỳnh, gần làng cổ Gò Cỏ có khoảng 200 mộ chum.

Di tích khảo cổ đó được gọi là Dépot à Jarres Sa Huỳnh (kho chum Sa Huỳnh). Cùng với văn hóa Đông Sơn (miền Bắc), văn hóa Óc Eo (miền Nam), văn hóa Sa Huỳnh (miền Trung) "ba cái nôi văn minh" xưa tạo thành tam giác văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam.

Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh đã đưa vào hoạt động, trưng bày và giới thiệu nhiều hiện vật, tư liệu quý đến du khách trong nước và quốc tế. Ngoài ra, trong không gian Văn hóa Sa Huỳnh còn có làng cổ Gò Cỏ độc đáo.

Tảng đá khắc mười dòng chữ Chăm cổ (chữ Phạn) ở làng Gò Cỏ Sa Huỳnh.
Tảng đá khắc mười dòng chữ Chăm cổ (chữ Phạn) ở làng Gò Cỏ Sa Huỳnh. (Ảnh: Minh Hoàng).

Làng cổ này có tảng đá khắc mười dòng chữ Chăm cổ (chữ Phạn) ở làng Gò Cỏ. Bên cạnh đó, làng cổ này vẫn còn lưu giữ các di tích đền thờ và 11 giếng cổ, con đường cổ của người Chăm Pa tồn tại cách nay hàng trăm năm và các phong tục tập quán mang nhiều đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh hơn 3.000 năm trước.

Cập nhật: 31/12/2022 Zing
  • 312