Coban là kim loại được sử dụng rất nhiều trong các ngành công nghệ hiện đại và tương lai.
Coban là một kim loại có từ tính màu trắng xanh, thường được tìm thấy ở dạng hợp chất trong lớp vỏ trái đất và thu được khi khai thác niken, chì, bạc, đồng và sắt. Tên gọi Coban (cobalt) có xuất xứ từ tiếng Đức kobalt hoặc kobold, nghĩa là linh hồn của quỷ dữ. Theo một số phỏng đoán, tên này do những người thợ mỏ đặt ra vì quặng coban luôn chứa arsennic, một chất cực độc dễ bay hơi gây chết người và gây dị tật bẩm sinh. Một vài nguồn khác cho rằng tên gọi có xuất xứ từ tiếng Hy Lạp kobalos, nghĩa là "mỏ".
Giống niken, coban chỉ được tìm thấy ở dạng hợp chất của sắt. Coban nguyên chất được tạo ra bằng cách nấu chảy và tinh lọc để tạo ra một kim loại cứng, bóng màu xám bạc.
Coban đã được dùng từ xa xưa, có bằng chứng cho thấy người Ai Cập và Trung Quốc cổ đại
đều đã tạo ra gốm sứ và thủy tinh có màu xanh nhờ vào khoáng chất chứa coban.
Coban thường chỉ được tìm thấy dưới dạng hợp chất.
Thời hiện đại, coban còn có ứng dụng to lớn hơn gấp nhiều lần. Một số ứng dụng chính của coban là làm hợp kim kim loại, mạ điện và làm pin sạc. Cụ thể, các siêu hợp kim có độ bền cao thường có chứa một ít coban. Tính ổn định nhiệt độ của hợp kim này được ứng dụng làm tuabin cho động cơ phản lực. Ngoài ra, hợp kim có thành phần coban còn chống ăn mòn cả vật lý và hóa học tương tự như titanium.
Hợp kim Alnico (nhôm, niken, cobalt, sắt) có thể dùng để chế tạo kim nâm châm la bàn, máy trợ thính, micro. Hợp kim coban và bạch kim được dùng làm đồ trang sức dễ gia công, màu sắc đẹp, nhẹ. Một vài loại thép cũng cho thêm coban để tăng chịu nhiệt và chống mài mòn.
Một ứng dụng rất quan trọng của coban là pin lithium-ion, loại pin có thể sạc lại. Đây là loại pin thường sử dụng trong xe điện, thiết bị điện tử, quân sự, hàng không. Loại pin này đặc biệt phổ biến trong đời sống của người dân và chính là loại pin được sử dụng trong hầu hết các loại điện thoại thông minh hiện nay. Các cải tiến gần đây khiến pin lithium-ion có tuổi thọ cao, an toàn, sạc nhanh…
Coban còn là chất xúc tác không thể thay thế trong phản ứng tạo polyme và sản xuất nhựa polyester.
Theo dữ liệu của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), từ năm 2013 đến năm 2016 Việt Nam khai thác coban với số lượng từ 25 tấn (năm 2013) và cao nhất là 277 tấn (năm 2015), trung bình cả giai đoạn ước tính khai thác đạt 165 tấn/năm. Mức khai thác coban trung bình của thế giới dựa trên 22 quốc gia là 5.102 tấn.
Tuy nhiên, cần lưu ý không có nhiều quốc gia trên thế giới khai thác coban. Do đó, Việt Nam vẫn luôn có mặt trong danh sách 20 quốc gia khai thác coban trên thế giới. Với tiềm năng khoáng sản lớn, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trong ngành này.
Sản lượng coban khai thác ở Việt Nam. (Số liệu: USGS).
Nếu đầu tư tốt, coban hứa hẹn sẽ mang lại cho Việt Nam nguồn lợi kinh tế khổng lồ. Vào năm 2018, giá của coban đã lên đến 100.000 USD/tấn, cao nhất lịch sử do nhu cầu gia tăng xe điện như Tesla, VW, BMW, BASF, Glencore.
Đợt đại dịch đã khiến giá coban sụt giảm nghiêm trọng, tới tháng 01/2021, giá coban đã giảm 45% xuống còn 33.000 USD/tấn thị trường giảm sút nhu cầu. Coban được xem là kim loại quan trọng với các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật, Châu Âu, Hàn Quốc.
Theo cập nhật mới nhất, đợt giảm giá này không kéo dài lâu. Trái lại, sự phục hồi sau đại dịch đã kéo giá coban tăng vọt trở lại trong thời gian chưa đầy 1 năm, tăng từ 31.000 USD/tấn lên tới 70.000 USD/tấn, tương đương tăng 125% trong 12 tháng.
Giá coban thế giới tăng mạnh trong 12 tháng qua.
Alice Yu, nhà phân tích của công ty dịch vụ thông tin tài chính S&P Global Market Intelligence (Mỹ), thị trường coban đang phải hứng chịu vấn đề lớn do sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở Nam Phi - nơi cung cấp phần lớn coban xuất khẩu cho toàn cầu. Biến thể Omicron có nguy cơ làm trầm trọng thêm các thách thức về logistics và có thể trì hoãn thời điểm giá coban điều chỉnh.
Nhu cầu đối với các kim loại như lithium, coban và niken, được dùng để sản xuất pin, đang trong giai đoạn bùng nổ chưa từng có khi toàn cầu đang hướng tới một tương lai xanh hơn. Giá lithium cũng tăng hơn gấp 3 lần trong năm nay, đạt mức cao kỷ lục.
Do đó, việc nắm bắt xu hướng khai thác các kim loại như coban sẽ giúp Việt Nam đảm bảo một nguồn lợi kinh tế lớn, giúp đáp ứng nhu cầu sử dụng coban trong các lĩnh vực công nghệ cao và năng lượng xanh của tương lai.