Vệ tinh cũ đua nhau rơi xuống Trái đất

  •  
  • 1.693

Kính viễn vọng ROSAT nặng 2,5 tấn sẽ rơi xuống Trái đất vào cuối tháng 10 và có khả năng gây thương vong cao gấp rưỡi so với vệ tinh UARS.

Dù cho vệ tinh 6 tấn UARS của NASA không gây ra bất cứ thương vong hay thiệt hại kinh tế nào khi rơi xuống Trái đất trong ngày hôm nay thì tháng tới, chúng ta lại phải chuẩn bị tinh thần "đón" một khối rác vũ trụ khác.

 ROSAT có thể rơi xuống bất cứ đâu trên Trái đất với khả năng gây tổn thất về người và của lên tới 1/2000. (Ảnh: DLR)
 ROSAT có thể rơi xuống bất cứ đâu trên Trái đất với
khả năng gây tổn thất về người và của lên tới 1/2000. (Ảnh: DLR)

Một kính viễn vọng không gian bị bỏ hoang của Đức có tên gọi ROSAT được dự đoán sẽ va chạm với bầu khí quyển Trái đất vào cuối tháng 10, và khả năng mà nó gây tổn thất về người và của đều cao hơn so với UARS.

Hiện tại, chưa một ai biết chắc UARS sẽ rơi xuống vị trí nào trên Trái đất. Dù cho phần lớn mảnh vỡ của nó sẽ bị đốt cháy khi va vào Khí quyển, song khoảng 26 mảnh vỡ lớn, với trọng lượng khoảng 532 kg sẽ vẫn "sống sót" và đâm thẳng xuống đất.

Theo tính toán của NASA, khả năng mà UARS gây thiệt hại về người và của là 1/3200. Tuy nhiên, vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11, đến lượt kính viễn vọng X-ray nặng 2,4 tấn ROSAT (cũng do NASA phóng lên vào năm 1990) sẽ rơi trở lại vào khí quyển trái đất với xác suất gây thương vong là 1/2000.

Sở dĩ nguy cơ của ROSAT cao gấp rưỡi so với UARS là vì yêu cầu kỹ thuật khi thiết kế bộ chiếu tia X. Dàn gương của kính viễn vọng cần phải chịu nhiệt rất tốt bởi trong 8 năm tuổi thọ của mình, lượng nhiệt mà bộ chiếu này tỏa ra là rất lớn.

Trên website của ROSAT, hãng sản xuất DLR ước tính có tới 30 mảnh vỡ với tổng trọng lượng lên tới 1,6 tấn có thể rơi xuống bề mặt Trái đất. Trong đó, hệ thống quang học X-ray, với dàn gương và kết cấu bằng sợi carbon tổng hợp cường lực của nó là nặng nhất.

Kính viễn vọng ROSAT nặng 2,5 tấn, được NASA phóng lên từ năm 1990 và ngừng họat động từ năm 1999.
Kính viễn vọng ROSAT nặng 2,5 tấn, được NASA phóng lên
từ năm 1990 và ngừng họat động từ năm 1999.

ROSAT ngừng hoạt động từ năm 1999 và lang thang trong không gian từ đó, bởi nhà sản xuất đã không thiết kế một hệ thống điều khiển việc rơi trở lại Trái đất. Thời điểm cũng như vị trí rơi của ROSAT cũng không thể dự đoán chính xác bởi phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động của mặt trời.

Chia sẻ với New Scientist, một đại diện của NASA cho biết các hoạt động của mặt trời khiến cho bầu khí quyển bị giãn nở lên trên và hút các vật thể "lang thang" trong không gian. Lý do khiến UARS quay về Trái đất sớm hơn dự kiến là vì hoạt động của mặt trời đột ngột mạnh lên. Và vì hoạt động nhiệt sẽ mạnh đến đỉnh điểm vào năm 2013 nên chắc chắn trong thời gian tới, số lượng các vụ rơi trở lại Trái đất như UARS và ROSAT sẽ ngày càng nhiều.

Theo Vietnamnet
  • 1.693