"Venice thời Đồ Đá" của Trung Quốc sụp đổ như thế nào?

  •  
  • 744

Thành phố Lương Chử với hệ thống kênh nước phức tạp tồn tại cách đây hơn 5.000 năm có thể diệt vong do biến đổi khí hậu.

Sơ đồ mô phỏng thành phố Liangzhu thời thịnh vượng.
Sơ đồ mô phỏng thành phố Liangzhu thời thịnh vượng.

Thành phố Lương Chử (Liangzhu) ở đồng bằng sông Dương Tử, Trung Quốc, đạt tiến bộ kỹ thuật nổi bật cách đây 5.300 năm và có thể là thành phố độc nhất trên thế giới làm được như vậy vào thời kỳ đó. Hệ thống kênh rạch và đập nước phức tạp mang lại cho thành phố tên gọi "Venice thời Đồ Đá" của Trung Quốc hay "Venice phương Đông". Tuy nhiên, gần 1.000 năm sau, thành phố và nền văn minh Lương Chử bất ngờ sụp đổ, nguyên nhân hiện vẫn gây tranh cãi.

Thành phố Liangzhu từng được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Dựa trên tàn tích khảo cổ, các nhà khoa học tìm thấy nhiều minh chứng cho sự tiến bộ về mặt xã hội, văn hóa và công nghệ trong thời kỳ này.

Sự phát triển mạnh mẽ nhất nằm ở lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Người Liangzhu đã xây dựng hệ thống thủy lực thông minh dẫn nước vào các kênh đào, đập, hồ biến thành phố trở thành “Venice của phương Đông” trong thời kỳ đồ đá. Thời kỳ này, người dân thường dựng nhà sàn, cách xa mặt đất nằm gần kênh, đào hoặc bờ biển.

Ước tính, diện tích của thành phố Liangzhu là 290 ha, được bao quanh bởi những bức tường đất sét với 6 cổng thành lớn. Tại mỗi hướng Bắc, Đông, Nam, 2 cổng thành được xây dựng vững chắc. Trung tâm của thành phố là một cung điện rộng 30 ha, với kiến trúc chống ngập lụt.

Xung quanh có nhiều gò đất, ngọn đồi tự nhiên. Toàn bộ công trình này cho thấy, người dân Liangzhu đã xây dựng nên một cấu trúc xã hội tương đối phức tạp, mang nhiều đặc điểm “vượt thời gian”.

 Hang Thần Nông ở thung lũng Dương Tử
Hang Thần Nông ở thung lũng Dương Tử giúp hé lộ số phận của Lương Chử, một trong những thành phố vĩ đại nhất thời cổ đại. (Ảnh: Haiwei Zhang)

Giáo sư Christoph Spotl tại Đại học Innsbruck cùng các đồng nghiệp cho rằng có thể những biến đổi khí hậu tạm thời gây ra lũ lụt nghiêm trọng đến mức hệ thống kênh nước tiên tiến như vậy cũng không thể chống chịu, IFL Science hôm 24/11 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Science Advances.

Vào thời kỳ mà hầu hết các nơi trên thế giới vẫn chưa khám phá ra nông nghiệp, Lương Chử đã đi tiên phong về kỹ thuật thủy lực. Thành phố có tường thành bao quanh để ngăn quân xâm lược, nhưng điểm nổi bật thực sự là mạng lưới kênh nước giúp người dân canh tác những khu vực rộng lớn của vùng đồng bằng màu mỡ nhưng ngập nước tự nhiên.

Việc những người chưa phát hiện ra thuật luyện kim xây được kỳ quan cổ đại như vậy là một kỳ tích. Tuy nhiên, Spotl quan tâm hơn đến lý do tại sao một thành phố đứng vững lâu như vậy lại sụp đổ. Ông cùng các đồng nghiệp liên hệ thời gian sụp đổ với những thay đổi về mức độ khắc nghiệt của mùa mưa.

"Một lớp đất sét mỏng được tìm thấy ở các tàn tích. Điều này chỉ ra rằng sự diệt vong của nền văn minh tiên tiến này có thể liên quan đến những trận lụt bắt nguồn từ sông Dương Tử hoặc biển Hoa Đông. Không có dấu vết nào về những nguyên nhân do con người gây ra như xung đột hay chiến tranh", Spotl cho biết.

Để kiểm tra xem lũ lụt có phải nguyên nhân không, nhóm chuyên gia nghiên cứu khí hậu ở thung lũng sông Dương Tử trong 100.000 năm qua nhờ các măng đá trong hang Thần Nông và Cửu Long. Tốc độ kết tủa đá vôi trong các hang này mang lại một ít thông tin về lượng mưa thời kỳ đó, trong khi phân tích đồng vị carbon cho độ chính xác cao hơn.

Khoảng 4.345 - 4.324 năm trước, thung lũng trải qua một đợt gia tăng lượng mưa đáng kể. Thời điểm này khớp với sự sụp đổ của Lương Chử, tính cả phạm vi sai số của nghiên cứu.

"Những cơn mưa lớn trong mùa mưa có thể dẫn đến đợt lũ lụt nghiêm trọng của sông Dương Tử và các nhánh sông. Thiên tai nghiệm trọng đến mức khiến hệ thống kênh và đập phức tạp cũng không chịu được khối lượng nước khổng lồ như vậy, thành phố Lương Chử bị phá hủy và người dân phải di tản", Spotl giải thích.

Nếu mọi thứ nhanh chóng trở về bình thường, có lẽ người sống sót sẽ quay lại thành phố. Tuy nhiên, dấu tích trong các hang động cho thấy những đợt mưa lớn vẫn diễn ra trong 300 năm sau. Những đợt mưa có thể xảy ra thường xuyên đến mức vào thời kỳ đó, thành phố không thể khôi phục. Đến khi khí hậu trở về giống thời hoàng kim của Lương Chử, thành phố chỉ còn là huyền thoại với những hậu duệ của cư dân từng sống ở đó.

Cập nhật: 28/12/2021 Theo VnExpress/GDTĐ
  • 744