Vì sao chó vẫy đuôi?

  •   52
  • 420

Thói quen vẫy đuôi là một trong những "bí ẩn" ở loài chó, tưởng dễ nhưng lại khó tìm được đáp án.

Câu hỏi vì sao chó vẫy đuôi vẫn đang được các nhà nghiên cứu tìm lời giải. Leonetti, hiện đang làm việc tại Đại học Turin (Ý), đã tổng hợp và nghiên cứu tài liệu từ nhiều nhóm nhà khoa học về chủ đề này.

Leonetti cho rằng tác dụng quan trọng nhất của đuôi chó là giao tiếp. Điều này khác với đuôi cá có công năng chính là điều hướng; đuôi ngựa, trâu để xua đuổi côn trùng hay đuôi chim, mèo, khỉ để giữ thăng bằng.

Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện chỉ để giải thích thói quen vẫy đuôi ở chó
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện chỉ để giải thích thói quen vẫy đuôi ở chó - (Ảnh: GETTY IMAGES).

Vậy chó muốn giao tiếp gì? Chuyên gia về nhận thức động vật Emily Bray tại Đại học Arizona (Mỹ) nói mọi người thường nghĩ đơn giản chó vẫy đuôi là tín hiệu đang vui vẻ hoặc hạnh phúc. Tuy nhiên thông điệp lại phức tạp hơn, bị ảnh hưởng bởi góc độ và vị trí của đuôi chó lúc vẫy.

Chẳng hạn khi đuôi vẫy nhiều hơn về bên phải, thường thì chó đang bày tỏ sự quan tâm đến một kích thích hoặc muốn tiếp cận thứ gì đó.

Khi vẫy nhiều hơn về bên trái, chó báo hiệu một sự không chắc chắn hoặc muốn rút lui. Khi vẫy thấp và gần chân, chó tỏ ý phục tùng.

Nghiên cứu chỉ ra mức độ vẫy đuôi nằm dưới sự kiểm soát có ý thức của chó. Ngoài ra, Leonetti cho biết những loài chó có họ hàng càng gần với chó nhà càng có tần suất vẫy đuôi thường xuyên hơn những loài có họ hàng gần với chó sói.

Leonetti và các đồng nghiệp đưa ra giả thuyết thói quen vẫy đuôi của chó đã dần được hình thành ngay từ những ngày đầu thuần hóa chó sói thành chó nhà. Bộ não của con người phản ứng tích cực với những vật thể có nhịp điệu, và hoạt động vẫy đuôi ở chó thường rất nhịp nhàng.

Do vậy, có thể chó đã hình thành thói quen vẫy đuôi, tuy nhiên chưa biết do vô thức hay có ý thức. 

Theo Leonetti, giải mã thói quen vẫy đuôi ở loài chó cho đến nay vẫn là một trong những vấn đề phức tạp nhất ở một loài vật vô cùng gần gũi với con người. Các nghiên cứu đang đi theo hướng tiếp cận đa ngành như kết hợp thần kinh học, khoa học nhận thức và sinh lý học. Bởi đây không chỉ là quá trình tiến hóa thông thường ở động vật mà còn có sự tác động của con người.

Leonetti nhận định nếu một khi hiểu biết thấu đáo về thói quen vẫy đuôi của chó, các nghiên cứu cũng sẽ làm sáng tỏ những bí mật về cách con người đã thuần hóa những loài động vật từ hàng ngàn năm trước.

Cập nhật: 27/01/2024 Tuổi Trẻ
  • 52
  • 420