Một nhà động vật học Mỹ bỏ công nghiên cứu hình thái kinh rợn nhất của loài người trong hành vi kiếm ăn: ăn thịt đồng loại. Bí mật này của thuyết tiến hoá rất có thể mang một ý nghĩa hoàn hảo.
Có lẽ con người ghê tởm nhất mọi thời đại xuất thân từ một làng nhỏ ở Wisconsin, phía Bắc Hoa Kỳ…
Ed Gein là chủ một nông trại xập xệ và sống cô độc, không mấy ai đến thăm trừ hai phụ nữ, và không ai trong số họ sống sót rời khỏi chốn này: Gein mổ thịt họ, lấy tim đem rán.
Ngoài ra hắn còn bới xác 15 người từ nghĩa trang địa phương, lấy da bọc ghế và làm mặt nạ. Gein là cảm hứng sinh ra nhân vật ăn thịt người Hannibal Lecter trong loạt tiểu thuyết kinh dị của Thomas Harris (Sự im lặng của bầy cừu).
Ảnh tư liệu thời có nạn đói ở Nga 1921.
Cũng có thể danh hiệu đáng ngờ nêu trên thuộc về Andrei Romanovich Chikatilo hay “Đồ tể Rostov”, người Nga, từng sát hại ít nhất 53 phụ nữ và trẻ em và ăn thịt họ sau khi tra tấn dã man.
Tạm thời không quan tâm đến khía cạnh tội phạm học của các nhân vật ấy, và cũng quên đi những hiện tượng ăn thịt đồng loại trong giới động vật, câu hỏi ắt phải đặt ra là: tại sao người ăn thịt người?
Nếu có thể xếp những nhân vật ghê tởm trên vào mục nghiên cứu khoa học thì nhà động vật học Mỹ Bill Schutt sẽ là địa chỉ chính xác để tìm câu trả lời. Giáo sư sinh vật học ở Đại học Long Island University ấy có một cách nhìn khá vô tư và thoải mái khi nghiên cứu hiện tượng ăn thịt đồng loại.
“Xét về bản chất thuyết tiến hoá, việc ăn thịt đồng loại có một ý nghĩa hoàn hảo”, đó là quan điểm khoa học của ông. Vì nó hứa hẹn đem lại giải pháp cho nhiều vấn đề cháy bỏng của nhân loại, như nạn thừa người hay thiếu lương thực trên quả đất.
Cho đến nay GS Schutt chủ yếu nghiên cứu hiện tượng ăn thịt đồng loại trong thế giới loài vật. Cá mập hổ cát chẳng hạn, trước khi ra đời đã là sát thủ: khi còn chưa hẳn thành hình cá, thai nào phát triển nhanh nhất sẽ ăn thịt anh chị em nhỏ hơn để tạo chỗ thông thoáng trong bụng mẹ. Liệu hình thức đấu tranh sinh tồn man rợ đó có thể suy rộng ra cho con người?
Trong quá trình nghiên cứu, GS Schutt nhận ra những cá thể ăn thịt đồng loại như Gein và Chikatilo chiếm một số rất nhỏ trong nhân loại, và may mắn thay, chúng chỉ là những phiên bản tâm thần nặng, hướng đến ý chí tiêu diệt môi trường xung quanh. Sẽ có người cho rằng tục lệ ăn thịt người thường có ở những bộ lạc nguyên thuỷ hay các tộc người tách xa thế giới văn minh, nằm sâu trong rừng già Amazon.
Theo ghi chép của một số nhà thám hiểm, người tộc Wari trong rừng nhiệt đới Brazil có truyền thống đặc biệt khi mai táng người chết: để chế ngự đau buồn, họ ăn thịt hoặc xương người chết ngâm trong mật ong. Nhưng có thật vậy không?
Nhà nhân học William Arens hồi cuối thập kỷ 1970 đã vạch ra một khiếm khuyết trầm trọng trong các nghiên cứu tương tự: vô số các nhà thám hiểm đi tới các bộ tộc thiểu số trong rừng già và quay về với những báo cáo sởn gai ốc, song hình như chẳng có lấy một người trong số họ từng mục sở thị một “người rừng” đang khoái trá gặm xương sườn người bên bếp nướng cả.
Ngay cả những tên tuổi khả kính như Christopher Columbus cũng chẳng phải là bảo đảm cho tính chân thực của các giai thoại kinh hoàng. Ví dụ như ghi chép của ông về người bản xứ ở một hòn đảo Caribe nướng tay chân của tù binh để ăn, sau này được coi là bịa đặt vô lối để gán cho họ nếp sống phản lại văn minh Thiên Chúa giáo, biện luận cho hành vi bắt họ làm nô lệ.
Ngay cả Bill Schutt cũng không tìm ra tộc người nào chuyên ăn thịt người. Ông chỉ nêu ra được một số chi tiết trong sử sách Trung Hoa, ghi lại một hiện tượng cúng tiến theo nghi lễ Khổng giáo: người trẻ mời người già một phần cơ thể mình, thường là chân và tay, ăn cùng với cháo. Tuy nhiên nhà khoa học không nêu rõ nghi thức đó nhằm mục đích gì.
Liệu hình vẽ này về thổ dân Caribean có là sản phẩm của trí tưởng tượng?
Hiện tượng ăn thịt người tuy nhiên có nhiều nguyên nhân khác nhau, phần nhiều liên quan đến tín ngưỡng. Tộc người Fore ở Papua New Guinea, đảo quốc lớn thứ ba thế giới, có tục lệ ăn thịt gia quyến mới chết để giữ linh hồn họ trong người còn sống. Cho đến giữa thế kỷ 20 người du mục Korowai ở tỉnh Papua tử hình những ai bị coi là bị ma ám bằng phát tên xuyên tim, sau đó cắt thịt gói vào lá chuối rồi nướng lên ăn để trừ tận gốc mọi hậu hoạ.
Năm 1867 nhà truyền giáo Anh Thomas Baker đến làng Nabutautau trên đảo Fiji để tìm con chiên mới. Ông không biết người ở đó kiêng xoa tóc trẻ con nên bị xử tử và ăn thịt. Mãi đến năm 2003 người dân đảo này sang Anh khẩn khoản xin hậu duệ của Baker tha lỗi.
Ở Trung Hoa cổ xưa, kẻ thù bị chinh phục cũng hay… vào nồi, như một biểu hiện của sự hạ nhục. Chu đại vương, đời cuối nhà Thương, cho là bị hai người đàn ông phỉ báng. Ông ra lệnh băm nát một người, người kia bị nấu chín và cắt thành lát, để đưa lên bàn thờ tổ tiên rồi cho ba quân ăn. Dưới ảnh hưởng Phật giáo, những tục lệ dã man như thế dần bị xoá bỏ, nhưng ở khu tự trị Quảng Tây thời Cách mạng văn hoá vẫn có hiện tượng ăn thịt để trừng phạt “kẻ thù giai cấp”, như tác giả Zheng Yi với cuốn Cái giếng cổ nổi tiếng thuật lại.
Niềm tin vào sự thống nhất giữa thể xác và linh hồn cũng đưa đến nhiều suy luận rùng mình. Hai nhà nghiên cứu lịch sử Anna Bergmann (Đức) và Richard Sugg (Anh) cho thấy ở châu Âu đến đầu thế kỷ 18 còn dùng một số bộ phận cơ thể người để làm thuốc. Người La Mã ngày ấy tin rằng máu tươi của võ sĩ giác đấu là thuốc chữa động kinh. Xác các tử tù được bán thẳng cho hiệu thuốc để bào chế. Mỡ người và thịt những đứa trẻ chết trước khi được rửa tội cũng bị làm thành thuốc mỡ và thuốc uống để chống bệnh phong, thấp khớp v.v…
Hiện nay, trong một bảo tàng Đức còn giữ một đơn thuốc của thầy Johann Schroeder từ thế kỷ 17, miêu tả cách chế thuốc từ thịt bắp của người. Tương tự, nhà nhân học Mỹ Beth A. Conklin trích từ sách của Mabel Peacock in năm 1896: “Ở Đan Mạch, mỗi khi có tử tù bị chém đầu, người bị động kinh vây quanh đoạn đầu đài với một cái đĩa trong tay, sẵn sàng uống máu chảy ra từ thân thể còn đang co giật của kẻ xấu số”. Cho đến thập kỷ 1870, ví dụ 1879 ở Berlin khi Bộ luật hình sự đã ra đời, còn phổ biến hiện tượng đào trộm mộ lấy thịt và máu để “tăng cường sức khoẻ người bệnh”.
Có một dạng ăn thịt lẫn nhau tàn bạo hơn nhiều, diễn ra ở hầu hết những nơi có nạn đói, khi con người phát điên vì thiếu ăn và tấn công đồng loại để sống sót. GS Schutt nêu một vài sự kiện lịch sử ở Hoa Kỳ, khi số phận diễn ra như một quy trình tìm ánh sáng cuối đường hầm trong phòng thí nghiệm. Năm 1846, trên đường tìm một đường tắt đến Calofornia nắng ấm, một nhóm 87 người bị lạc tại vùng núi Sierra Nevada và bị bất ngờ khi mùa đông năm ấy đến sớm. Nhóm Donner (Donner Party, theo tên người cầm đầu là George Donner) mất hết phương hướng trên núi phủ dày tuyết, và sau khi ăn hết ngựa cũng như chó kéo xe, cả đoàn lấy cả thắt lưng và giày da ra ăn.
Một thứ thực phẩm đặc biệt khác đã cứu sống chừng một nửa nhóm Donner: trong tuyệt vọng khôn cùng, họ ăn xác những người trong đoàn đã chết vì kiệt sức hoặc ốm đau.
Theo bức tranh ảm đạm của GS Schutt, phải chăng hiện tượng trên là lời cảnh báo sớm cho nhân loại hôm nay. Sự biến đổi khí hậu trong tương lai gần sẽ gây ra nạn đói toàn cầu vì mất mùa và nước mặn xâm thực - và hậu quả là tái hiện hành vi ăn thịt đồng loại?