“Xé túi mù” - Một trào lưu góp phần hủy hoại môi trường

  •  
  • 222

Trào lưu “Xé túi mù” đang thu hút hàng triệu người dùng trên mạng xã hội Việt Nam. Sự hấp dẫn của việc khám phá bất ngờ khiến nhiều người bị cuốn vào cơn sốt mua sắm này. Tuy nhiên, đằng sau niềm vui ngắn ngủi là những hệ lụy không nhỏ đến môi trường và xã hội. Liệu đây là món hời hay một gánh nặng tiềm ẩn mà chúng ta cần suy ngẫm?

“Xé Túi Mù” -  Trào lưu mua sắm mới

Đất nước phát triển, nhiều người dân bắt đầu có kinh tế để chạy theo trào lưu mới trên mạng xã hội. Mỗi thời đại, các thương nhân lại có các hình thức bán hàng mới để mời chào khách hàng, vậy trào lưu “xé túi mù” đang gây sốt trên cõi mạng mấy tháng vừa qua là gì? Có nên đặt ra bài toán suy ngẫm cho trào lưu “xé túi mù” và gánh nặng môi trường?


Lượng thảo luận về túi mù trên các trang mạng xã hội tăng mạnh.

Trào lưu “xé túi mù” bắt nguồn từ Nhật Bản và nhanh chóng lan rộng sang nhiều quốc gia khác, đặc biệt là trong lĩnh vực đồ chơi và quà lưu niệm. Ban đầu, các gói túi mù thường là các sản phẩm nhỏ như đồ chơi, búp bê, hoặc mô hình nhân vật hoạt hình, được đóng kín trong các bao bì (nhựa, giấy, nylon...) không nhìn thấy được sản phẩm bên trong. Người mua chỉ có thể biết mình sẽ nhận được gì sau khi xé bỏ lớp bao bì, tạo cảm giác hứng thú và bất ngờ. Ban đầu là để thương gia giải quyết hàng tồn kho dưới dạng "hộp mù" (blind box).

Tại Việt Nam, người tiêu dùng cũng bị cuốn vào trào lưu này qua các nền tảng mua sắm trực tuyến và livestream bán hàng. Trong mỗi buổi livestream, người bán thường giới thiệu các gói túi mù bọc bằng nylon với mức giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Khi đặt mua thì người bán sẽ bóc những gói mù trên livestream, sau khi bóc hết vỏ mới đóng gói sản phẩm đưa tới tay khách hàng. Khán giả sẽ cảm thấy tò mò và thích thú với việc không biết mình sẽ nhận được đồ chơi nhựa hình gì cho tới khi xem livestream bóc hàng, dẫn đến việc chi tiền mua một cách ngẫu hứng. Những món đồ chơi nhỏ này khi mua về sẽ để trang trí và sưu tầm tuy nhiên do quá nhỏ nên dễ bị bỏ quên.

Nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng cũng hưởng ứng trào lưu bán "xé túi mù".
Nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng cũng hưởng ứng trào lưu bán "xé túi mù". (Ảnh: Mạng xã hội).

Những người nổi tiếng tại Việt Nam thông qua các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube để livestream bán túi mù, khuyến khích fan mua hàng để trải nghiệm. Điều này càng thúc đẩy trào lưu trở nên phổ biến hơn và khiến nhiều người lao vào thử vận may với các gói sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Cơn sốt chốc lát - ô nhiễm nặng nề

Mỗi túi mù thường được đóng gói bao bì nhựa nylon, khiến việc tái chế trở nên khó khăn. Trào lưu này đã góp phần làm gia tăng lượng rác thải nhựa khó tái chế. Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chỉ khoảng 9% rác thải nhựa toàn cầu được tái chế, trong khi tại Việt Nam, tỷ lệ này thấp hơn nhiều do hạn chế về công nghệ và quy trình xử lý rác. Điều này có nghĩa là hầu hết các bao bì nhựa từ túi mù sau khi sử dụng sẽ trở thành rác thải vĩnh viễn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.


Người bán trên livestream có thể thử đổi loại túi, thay vì xé và vứt bỏ giống như vỏ kẹo, ta có thể đổi sang dạng túi zip giấy (một tiktoker đã từng làm) để dễ dàng tái chế thật nhiều lần.

Polyethylene (PE) là loại nhựa khó phân hủy trong môi trường tự nhiên. Phải mất rất nhiều thời gian, thậm chí hàng thập kỷ hoặc hơn để nó phân hủy hoàn toàn. Một số người có thể lựa chọn đốt cháy PE để giảm thiểu sự chiếm dụng không gian, nhưng phương pháp này có thể tạo ra khí thải độc hại và gây ô nhiễm không khí. Quá trình sản xuất nhựa PE đòi hỏi một lượng lớn năng lượng, làm gia tăng lượng khí CO2 thải ra môi trường. Điều này góp phần gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Mỗi lần xé một túi mù, người tiêu dùng tạo ra thêm một lượng lớn rác thải từ bao bì nhựa, không kể đến các vật liệu dùng để tạo ra sản phẩm bên trong. Điều này dẫn đến sự lãng phí tài nguyên và gia tăng khối lượng rác thải khó phân hủy ra môi trường.

Mỗi sản phẩm túi mù có giá giao động từ 3 nghìn - 20 nghìn VNĐ. Theo báo cáo của nền tảng thống kê thương mại điện tử Metric Việt Nam, từ đầu tháng 7 đến hết tháng 9, tổng doanh thu của 539 cửa hàng kinh doanh sản phẩm túi mù, túi may mắn trên 5 sàn thương mại điện tử lớn (Shopee, Lazada,Tiki, Sendo, TikTok Shop) đạt 4,6 tỷ đồng. Một túi đựng cho trò chơi này phổ biến nặng khoảng 1g, chưa tính những nguồn bán khác, với doanh thu 4,6 tỷ đồng trên không cần làm phép tính, người đọc cũng có thể áng chừng được lượng túi nylon từ túi mù được thải ra môi trường trong 3 tháng.

Số lượng túi mù khổng lồ được một tiktoker chuẩn bị trước một phiên livestream.
Số lượng túi mù khổng lồ được một tiktoker chuẩn bị trước một phiên livestream.

Tại diễn đàn “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên”, do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF Việt Nam), Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chỉ ra: hàng năm trên thế giới có hơn 300 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó phần lớn là các loại bao bì nhựa dùng một lần. Xé túi mù đóng góp vào lượng rác thải này vì đa phần bao bì của các túi mù làm từ nhựa rất khó tái chế được. Hơn nữa, trào lưu này phổ biến ở nhiều quốc gia đã khiến hàng triệu gói túi mù bị xé mỗi năm, tạo ra hàng tấn rác thải nhựa.

Niềm vui chốc lát, hệ lụy lâu dài

Việc xé túi mù không chỉ là một hoạt động giải trí mà còn giống như một hình thức “cá cược” khi người tiêu dùng chi tiền để có được sản phẩm bất ngờ. Tâm lý “săn may mắn” này dễ khiến người mua sa vào vòng xoáy chi tiêu không kiểm soát, thậm chí là nghiện mua sắm. Nhiều người trẻ và thanh thiếu niên là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi trào lưu này, có thể rơi vào tình trạng tài chính khó khăn vì chi tiền quá nhiều cho những gói túi mù.

Nghiên cứu từ Đại học Cambridge cũng chỉ ra rằng, hình thức “mua sắm dựa trên may rủi” có thể gây ra căng thẳng tâm lý và cảm giác hối hận sau khi tiêu dùng. Nhiều người dễ bị cuốn vào vòng xoáy mua sắm vô độ do căng thẳng tâm lý hoặc do tính bốc đồng. Những người tham gia nghiên cứu cho biết họ cảm thấy phấn khích khi mua sắm, nhưng sau đó lại trải qua cảm giác tội lỗi và hối tiếc khi họ về nhà và nhìn lại những món hàng đã mua. Điều này cũng giống khi mua túi mù, sự thu hút khi người mua xem người bán xé túi mù trên livestream nhưng đến khi nhận được hàng thì hàng không có tính ứng dụng cao.

Vẫn theo Đại học Cambridge, sự thay đổi cảm xúc này đặc biệt rõ ràng ở những người trẻ tuổi, những người dễ bị cuốn vào vòng xoáy của việc mua sắm vô độ. Nghiên cứu này không chỉ chỉ ra mối liên hệ giữa việc mua sắm và cảm xúc mà còn nhấn mạnh rằng những người có hành vi mua sắm không kiểm soát thường phải đối mặt với các vấn đề tâm lý như lo âu và trầm cảm. Những cảm xúc tiêu cực này thường dẫn đến việc họ che giấu các món hàng đã mua hoặc thậm chí là tránh nhìn chúng, dẫn đến những món đồ bị quên lãng và dần thành rác.

Xé túi mù không chỉ làm tăng lượng bao bì thải ra môi trường mà còn khuyến khích lối sống tiêu dùng nhanh, thiếu cân nhắc. Nhiều sản phẩm bên trong túi mù là các món đồ nhỏ, không thực sự cần thiết, dễ hỏng hoặc bị bỏ quên sau khi mua. Điều này dẫn đến sự lãng phí tài nguyên, khi người tiêu dùng không giữ lại hoặc không sử dụng sản phẩm trong thời gian dài.

Trào lưu “xé túi mù” mang lại những trải nghiệm thú vị và những niềm vui ngắn ngủi, nhưng những hệ lụy về môi trường và xã hội là điều không thể xem nhẹ. Chúng ta không thể phủ nhận theo góc nhìn kinh tế, đây là một hình thức kinh doanh mang lại lợi nhuận cao.

Đối với những người yêu thích trào lưu này, việc tham gia với tâm lý tỉnh táo và có kiểm soát là rất quan trọng. Thay vì chạy theo những cảm giác nhất thời, người tiêu dùng có thể cân nhắc việc chọn lọc, tránh lãng phí và hành động có trách nhiệm để góp phần bảo vệ môi trường.

Việc hạn chế rác thải nhựa là vấn đề chung của toàn cầu, của mỗi quốc gia và con người, không riêng gì tại Việt Nam. Nhưng trào lưu xé túi mù là một yếu tố góp phần vào con số rác thải lớn bị xả ra, khi lượng bao bì nhựa từ túi mù thường không được tái chế và dễ dàng bị vứt ra môi trường, gây ô nhiễm sông ngòi và biển.

Trào lưu nào cũng có hai mặt và “xé túi mù” không phải ngoại lệ. Khi hiểu rõ về những tác động và rủi ro tiềm ẩn, hy vọng rằng người tiêu dùng sẽ lựa chọn thông minh hơn, góp phần xây dựng một lối sống lành mạnh và bền vững hơn cho cộng đồng và môi trường.

Cập nhật: 07/11/2024 antg.cand
  • 222