Không chỉ đồ hộp mà sữa, xúc xích ăn liền... có thể để ở ngoài mà vẫn "vô tư". Tại sao lại vậy?
Với tốc độ phát triển như vũ bão của xã hội ngày nay, cùng với sự tiện lợi - việc sử dụng các loại thực phẩm như thịt hộp, xúc xích, sữa... được cho như là một phần tất yếu của cuộc sống.
Bởi lẽ những loại thực phẩm này đều có thể ăn sẵn hoặc không khiến ta tốn quá nhiều thời gian chế biến như thực phẩm tươi sống thông thường.
Xúc xích ăn liền - một trong những thực phẩm được ưa chuộng nhất.
Tuy nhiên, bạn có để ý rằng các loại xúc xích ăn liền, đồ hộp hay sữa hộp... đều không cần bảo quản lạnh (tức là chỉ cần để ở nơi khô thoáng) mà vẫn giữ được rất lâu?
Phải chăng các loại thực phẩm này đều được sử dụng một lượng chất bảo quản? Điều này cũng có thể xảy ra nhưng đáp án câu trả lời này lại đến từ một khâu quan trọng trong quy trình sản xuất - tiệt trùng.
Từ thời xa xưa, con người luôn tìm cách để tích trữ thực phẩm, một trong những cách thường dùng nhất là phơi khô.
Đây là một phương pháp rất phù hợp về mặt khoa học bởi vi khuẩn - nhân tố gây hư hỏng thức ăn - chỉ phát triển mạnh trong môi trường có độ ẩm cao.
Nhưng mãi đến thập niên 1809, Nicolas Appert - một nhà nghiên cứu người Pháp mới tìm ra cách để bảo quản thức ăn khi đặt trong khu vực có độ ẩm cao. Đó là nấu chín thức ăn ở nhiệt độ cao, sau đó bịt kín lại, hay còn gọi là "đóng hộp".
Nicholas Appert - "ông tổ" của ngành công nghiệp đồ hộp.
Cách làm này đã giúp cho quân đội và hải quân Pháp thời bấy giờ không còn phải quá lo lắng về vấn đề lương thực, đồng thời giúp Appert nhận được nhiều giải thưởng của chính phủ.
Và 50 năm sau đó (1860), Louis Pasteur - nhà hóa học, vi sinh vật học nổi tiếng người Pháp đã giải thích được cơ chế của việc này. Đó là do nhiệt độ cao đã tiêu diệt vi khuẩn có trong thức ăn, cùng với đó việc bịt kín hộp đã ngăn không cho vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào.
Với tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập", các loại thực phẩm này chỉ cần bảo quản ở nơi khô thoáng và có thể giữ được rất lâu.
Sau đó, phương thức bảo quản thực phẩm này được áp dụng rộng rãi không chỉ tại Pháp mà còn lan rộng ra các nước châu Âu, châu Mỹ và toàn thế giới.
Thuở ban đầu, quá trình đóng hộp chỉ đơn giản là nấu chín thức ăn bằng nhiệt độ cao rồi đậy kín lại, hạn chế cho không khí đi vào.
Trải qua nhiều năm, quy trình tiệt trùng cũng có nhiều thay đổi và không chỉ thực phẩm đóng hộp, các loại sữa tươi và thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích cũng có thể được tiệt trùng.
Đối với các loại chất lỏng như sữa tươi, các nhà máy sẽ thực hiện quy trình khử trùng mang tên: "phương pháp khử trùng Pasteur".
Đây là phương pháp bảo quản do chính Louis Pasteur nghĩ ra, trong đó bao gồm việc làm nóng thực phẩm đến một nhiệt độ nhất định, rồi sau đó làm lạnh đột ngột nhằm ngăn không cho vi khuẩn tái xâm nhập.
Sữa sẽ được đun nóng đến 72 độ C chỉ trong 15 giây, tiêu diệt phần lớn vi khuẩn rồi được làm lạnh nhanh chóng.
Sau khi được khử trùng, sữa sẽ được đóng hộp và được phân phối tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị.
Phương pháp này làm chậm qua trình hư, hỏng của thức ăn gây ra do vi khuẩn, nhưng không tiêu diệt hoàn toàn các vi sinh vật có lợi. Chính vì thế, sữa được khử trùng bằng phương pháp này - còn gọi là "thanh trùng" thường chỉ giữ được trong vài ngày kể từ khi mở nắp.
Ngoài ra, một số loại sữa tiệt trùng có thể được xử lý ở nhiệt độ lên tới 140 - 150 độ C nhằm loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn. Các loại sữa này có thể lưu giữ tới 6 tháng mà không cần làm lạnh.
Tương tự như vậy, các loại thực phẩm ăn sẵn như xúc xích cũng phải trải qua quy trình khử trùng.
Thành phần làm nên xúc xích sẽ được xay nhuyễn và bơm vào một bể chứa. Sau đó, hỗn hợp xúc xích sẽ được tạo hình và gói qua một lớp giấy để chuẩn bị cho quá trình làm chín.
Đầu tiên, các dây xúc xích sẽ được phủ qua một lớp nước, rồi đưa vào máy hun khói. Quá trình này, bên cạnh việc khử trùng sẽ giúp xúc xích có hương vị thơm ngon hơn.
Tiếp đó, xúc xích sẽ được "tắm" qua nước muối lạnh (cũng giống như việc làm lạnh nhanh ở sữa) để chuẩn bị cho quá trình đóng gói.
Trong quá trình đóng gói sản phẩm, bao bì sẽ được miết nhằm loại bỏ không khí còn dư.
Ngày nay, nhiều nhà máy trang bị thêm thiết bị hút chân không, giúp cho các loại thực phẩm ăn sẵn như vậy giữ được trong thời gian rất lâu mà không cần, hoặc dùng rất ít đến chất bảo quản.